Niềm vui từ cơ sở may Hạnh Phúc
Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc cơ sở may Hạnh Phúc của chị Văn Thị Nhị Hà, ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn vẫn phát triển ổn định, tạo thêm được nhiều việc làm cho phụ nữ, đặc biệt là những chị em gặp hoàn cảnh khó khăn, đã góp phần ổn định đời sống xã hội ở địa phương.
Chị Nhị Hà vốn hoạt động trong ngành may ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác ở miền Nam. Năm 2021 khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Hà trở về quê nhà chăm sóc mẹ. Chị Hà kể: tôi thấy ở quê nhà có nhiều phụ nữ mất việc làm do dịch bệnh, cuộc sống trở nên khó khăn nên đã quyết định mở xưởng may tạo thêm việc làm cho chị em, góp phần giúp họ đảm bảo đời sống gia đình và góp một chút công sức trong ổn định KT-XH với quê hương.
Chị Văn Thị Nhị Hà hướng dẫn kỹ thuật may cho người chưa thạo việc. Ảnh: Đ.N
Quyết định xong là chị triển khai đầu tư gần 400 triệu đồng để mua sắm các loại máy móc, mở xưởng may. Ngay từ những ngày đầu, nhiều phụ nữ trong thôn, xã đã tìm đến xin việc. Những người chưa biết việc, chị Hà trực tiếp dạy nghề đến khi họ thạo việc, tự may hoàn thiện được sản phẩm. Có một điều đặc biệt mà nhiều chị em đến giờ vẫn biết ơn là không chỉ dạy nghề miễn phí, chị Hà còn tạo thuận lợi khi cho những chị em có con nhỏ mượn máy đem về nhà để vừa làm, vừa có thêm điều kiện lo cho con nhỏ, chăm sóc gia đình. Nhiều chị em làm việc tại cơ sở chia sẻ, nếu vì đau ốm hay do hoàn cảnh khó khăn mà không đạt khối lượng ngày công mỗi tháng, chị Hà cũng thường nhắc nhở, động viên và bù thêm để ai cũng có mức thu nhập khoảng 150 nghìn đồng/ngày. Chính vì cách ứng xử giàu tình nghĩa này, người làm của cơ sở may Hạnh Phúc gắn bó với nhau như người trong một nhà.
Chị Đinh Thị Ngọc Trinh xúc động nói: mẹ con tôi từ TP Hồ Chí Minh về quê tránh dịch, vốn cũng không dư dả gì nên gặp lúc khó khăn lại càng chật vật. Biết hoàn cảnh của tôi, chị Hà bố trí việc làm, cho mượn máy về nhà để có thêm thuận lợi vừa làm vừa chăm con nhỏ, chị còn thường xuyên thăm hỏi động viên tôi vượt qua khó khăn.
Sau hơn 20 năm hoạt động trong nghề may, uy tín từ cơ sở may Hạnh Phúc được nhiều đối tác xác nhận; cơ sở nhận được nhiều mối hàng quen. Cho đến nay cơ sở may Hạnh Phúc có gần 30 công nhân làm việc tại chỗ, thu nhập bình quân từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Chị Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Tây Thuận cho hay, chị Văn Thị Nhị Hà là một hội viên phụ nữ cần cù, chịu khó, tích cực trong học tập, lao động, sản xuất, vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống gia đình và góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH ở địa phương. Chị là một điển hình về phụ nữ lập nghiệp thành công ở địa phương.
ÐINH NGỌC