Vượt nhọc nhằn bám phố mưu sinh
Không gia đình, không người thân (có khi còn không biết cả họ tên khai sinh của mình), sống nay đây mai đó trong cô độc, cơ cực, nhưng họ vẫn luôn giữ thái độ sống tích cực, nỗ lực làm việc để kiếm sống, không làm phiền đến người khác.
Không giống như ở những đô thị sầm uất khác, khái niệm “người vô gia cư” ở TP Quy Nhơn có thể hiểu rộng hơn. Không nhà cửa cố định, có người “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”, nhưng cũng có người tằn tiện thuê được căn phòng trọ đủ để chui ra chui vào sau cuộc mưu sinh.
Cha mẹ mất sớm, ông Cù Minh Tiến (60 tuổi, trú tại phường Nguyễn Văn Cừ) không còn người thân. Ngày trẻ ông hái củi ở đèo Quy Hòa bán; dành dụm được một khoản tiền nhỏ, ông mua chiếc xích lô đưa đón khách tại chợ Quân Trấn. Đến nay, ông đã chạy xích lô được hơn 4 năm. Cũng từ đó, ông Tiến không còn ngủ vạ vật ở bến xe mà thuê một căn phòng trọ giá rẻ để trú nắng mưa. Mỗi ngày, ông chạy xích lô được khoảng 70.000 đồng, vừa đủ để trang trải sinh hoạt phí.
Ông Tiến bộc bạch: “May mắn còn có khách, nên bất kể thời tiết nào chúng tôi cũng đều phải làm việc. Chỉ sợ không còn ai đi xích lô nữa, chứ có cực khổ mấy cũng chịu được”.
Một trường hợp tương tự, ông Tâm (65 tuổi, trú tại phường Nguyễn Văn Cừ) cũng đã bôn ba rất nhiều nghề. Ông không nhớ rõ quê quán ở đâu vì mồ côi từ sớm, chỉ biết rằng mình đã lớn lên tại mảnh đất Quy Nhơn này. Khi còn trẻ, ông xin làm khuân vác tại các công trường. Đến nay, tuổi già sức yếu, ông mua một chiếc xích lô trả góp để chở rau cho bà con tiểu thương tại chợ Đầm.
Ông Tâm kể: “Công việc này cũng rất vất vả, người dân không còn sử dụng xích lô nhiều nữa, nên thu nhập mỗi ngày chưa tới 50.000 đồng. Mỗi ngày, lúc 2 giờ sáng tôi đã bắt đầu chở hàng cho các tiểu thương; đôi khi cũng may mắn có khách đi xích lô”.
Ông Tâm từng có thời gian dài ăn, ngủ trên chiếc xích lô bất kể nắng mưa; gần đây ông mới cố gắng thuê trọ để trú ngụ. Căn phòng trọ xập xệ chỉ vỏn vẹn 4 m2, thiếu thốn đủ bề, chỉ có chiếc quạt nhỏ để ông chống chọi với cái nóng bức giữa hè. “Ngày nào còn sức khỏe, tôi vẫn sẽ chạy xích lô để kiếm sống”, ông Tâm nói thêm.
Ông Sẹo (58 tuổi, trú ở phường Thị Nại) cũng là người neo đơn, chuyên chạy xích lô đưa đón người mua bán tại chợ Đầm. Mỗi cuốc xe ông kiếm được khoảng 20.000 đồng. “Bà con biết tôi sống một mình vất vả nên hay kêu chở, nhờ vậy mà tôi cũng có đồng ra đồng vào, đủ trả tiền trọ, cơm nước qua ngày”, ông Sẹo nói.
Dù trời nắng nóng, ông Sẹo vẫn nỗ lực chở khách để kiếm sống. Ảnh: X.Q
Ngoài những người may mắn kiếm được căn phòng trọ dẫu chật chội, thiếu thốn, vẫn còn những người sống cảnh “màn trời chiếu đất”. Bà Chín (68 tuổi), người chuyên nhặt ve chai là một trường hợp như thế. Mỗi đêm khuya, khi các con phố đã thưa người, bà Chín lại lên đường thu nhặt ve chai, phế liệu trong các thùng rác. Vốn liếng duy nhất của bà là chiếc xe đạp đã cũ. Ngoài công việc chính là nhặt ve chai, bà còn đi bán vé số. Nơi nghỉ ngơi hằng ngày của bà là một góc nhỏ ở trạm xe buýt, vỉa hè...
“Ngoài kia có lẽ còn nhiều người khổ hơn mình, nên khi các đoàn từ thiện đến hỗ trợ, tôi chỉ nhận thức ăn, nước uống vừa đủ dùng”, bà Chín kể.
Khi được hỏi về tương lai, họ đều mong muốn còn đủ sức khỏe để lao động kiếm sống, tự lo cho bản thân, không phải làm phiền đến người khác. Các vỉa hè, công viên tại TP Quy Nhơn đã thưa dần hình ảnh những người vô gia cư nằm lang bạt.
Chị D. (ở phường Đống Đa), người hay cưu mang những người khó khổ, cho hay: “Trước kia, có nhiều người lang thang cơ nhỡ đến ngủ nhờ trước vỉa hè, thấy thương quá, tôi đã nhường hẳn một kiốt của mình để họ nương náu. Ban ngày họ đi làm, có người nhặt ve chai, có người lên núi Bà Hỏa lượm củi về bán. Dù cuộc sống vất vả nhưng họ vẫn chủ động xin trả tiền thuê kiốt, tôi không lấy mà thỉnh thoảng có món gì ngon tôi còn mang qua cho. Giờ, cũng ít dần người vô gia cư đến ngủ nhờ”.
Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH TP Quy Nhơn, thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, trong năm 2022, 3 trường hợp chết không có thân nhân trên địa bàn thành phố đã được hỗ trợ mai táng phí. Từ đầu năm 2023 đến nay chưa có trường hợp cần hỗ trợ.
XUÂN QUỲNH