Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
Gia đình bà Đinh Thị Hà (ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) trước đây thuộc diện hộ nghèo. Năm 2007, bà vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH với lãi suất 4,6%/năm để nuôi vịt xiêm. Bên cạnh đó, bà trồng thêm 3 ha mì cao sản xen canh đậu phụng. Nhờ chịu khó, bà Hà có thêm vốn để bắt đầu thuê rẫy trồng mì cao sản và cây keo lai. Đến năm 2015, hộ bà Hà đã có 5 ha keo lai cho thu nhập ổn định 60 triệu đồng/ha; định kỳ 5 - 7 năm khai thác một lần.
Bà Hà chia sẻ, những năm đầu rất khó khăn vì kiến thức chăn nuôi, trồng trọt còn hạn hẹp. Đàn vịt xiêm khá nhạy cảm với thời tiết nên chết gần hết, cây mì chưa cho được sản lượng cao nên bà phải tiếp tục vay vốn từ Ngân hàng CSXH để gầy dựng lại, từng bước vươn lên. Năm 2021, bà tất toán các khoản vay, có tiền cho con cái đi học và sắm sửa cho gia đình. Thu nhập ổn định, bà có thời gian để dệt thổ cẩm, mỗi năm kiếm được thêm gần 20 triệu đồng.
Hộ bà Đinh Thị Nheo (ở làng Kà Te) cũng là một trong những trường hợp điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Năm 2007, bà vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để nuôi gà. Ban đầu, bà nuôi đàn gà 200 con để thử nghiệm. Có giai đoạn, đàn gà chết quá nửa vì dịch bệnh. Sau đó, bà xuống các trang trại gà ở Canh Vinh học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, mạnh dạn vay thêm 15 triệu đồng từ chương trình vay vốn của Ngân hàng Thế giới. Nhờ đó, bà đã gầy dựng lại thành công đàn gà 1.200 con. Cứ sau 3 tháng, bà xuất bán và có thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Đến nay, bà vẫn duy trì nuôi gà nhưng chọn lọc kỹ con giống, học hỏi các phương pháp chăn nuôi hiện đại.
Bà Nheo nói: “Trước đây, chúng tôi chủ yếu bám rừng để sinh sống, hầu như không có tài sản gì. Cũng nhờ có những chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi mà tôi có thể tự chủ kinh tế, có thu nhập ổn định và con cái được đi học”.
Kinh tế gia đình bà Đinh Thị Nheo được cải thiện nhờ nuôi gà. Ảnh: N.X
Tỷ lệ hộ nghèo tại xã Canh Thuận năm 2022 giảm 4,94% so với năm 2021. Trong năm 2022, có 5 hộ thoát nghèo thành công nhờ vay vốn ưu đãi. Tính đến nay, toàn xã có tổng dư nợ vốn vay hơn 45 tỷ đồng với 680 hộ vay. Những con số trên đã cho thấy nỗ lực thoát nghèo của người dân tộc thiểu số cũng như tầm quan trọng của chính sách tín dụng ưu đãi trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng miền núi.
Ông Trần Minh Toàn, Chủ tịch UBND xã Canh Thuận, chia sẻ: “Hiện nay, đời sống của người dân tại đây đã có nhiều thay đổi tích cực, nhờ kinh tế ổn định nên bà con đã quan tâm hơn tới việc học hành của con cái. Với nguồn vốn vay đang được sử dụng hiệu quả, hứa hẹn sẽ có thêm nhiều hộ được thoát nghèo”.
N.XUÂN