Rà soát, hoàn thiện, phân định rõ từng dịch vụ viễn thông
Sáng 22.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu (ĐB) tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) bày tỏ sự quan tâm đến quy định “cấm cản trở trái pháp luật, gây rối, phá hoại việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, việc cung cấp và sử dụng hợp pháp các dịch vụ viễn thông” tại khoản 3, Điều 8.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh phát biểu. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Cảnh cho rằng quy định này phù hợp với các quy định pháp luật thông thường. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông không chỉ là hạ tầng viễn thông trên đất công, trên đất của DN mà nhiều công trình viễn thông, thiết bị viễn thông còn được xây dựng, lắp đặt trên đất của người dân, DN khác; việc xây dựng, lắp đặt còn liên quan đến nhiều pháp luật khác, liên quan đến quyền lợi hợp pháp của nhiều đối tượng. Cách bảo quản, bảo trì, bảo dưỡng của công trình trên đất của nhà nước, DN, người dân cũng khác nhau. Vì vậy, ĐB đề nghị cần có quy định riêng đối với việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông đối với công trình, thiết bị viễn thông sử dụng đất của người dân và DN khác.
ĐB Cảnh cũng bày tỏ sự quan tâm đến quy định tại Điều 25 về từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông. “Hàng hóa, dịch vụ khác khi bị tạm dừng thì khách hàng có thể tìm kiếm hàng hóa, dịch vụ thay thế khác trong một khoảng thời gian mà không ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu dịch vụ viễn thông bị ngừng trong một thời gian thì thiệt hại nhiều mặt về KT-XH, trong sinh hoạt, công việc, học tập… Vì thông tin liên lạc hiện nay luôn cần thông suốt 24/24, không phân biệt trong hay ngoài giờ hành chính, không phân biệt múi giờ giữa các quốc gia”, ĐB Cảnh phân tích.
Vì vậy, ĐB Cảnh cho rằng quy định về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng khi "việc cung cấp dịch vụ viễn thông là không khả thi về kinh tế - kỹ thuật" (tại khoản 3, Điều 25) là chưa hợp lý.
Liên quan tới Điều 26 về ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông, theo ĐB khi một DN viễn thông không còn khả năng cung cấp dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều khách hàng, liên quan tới lợi ích nhiều cá nhân, tổ chức có khi là của cộng đồng, quốc gia. “Ngân hàng ngừng hoạt động đã gây thiệt hại lớn, nhưng thiếu tiền một thời gian thì vẫn còn xoay xở chỗ khác, có bị ngừng dịch vụ viễn thông thì người tiêu dùng khó mà chuyển qua sử dụng dịch vụ viễn thông khác, mất khá nhiều thời gian để đảm bảo liên lạc lại với cá nhân, tổ chức đã có liên hệ trước đây”, ĐB Cảnh phân tích.
ĐB đề nghị dự thảo luật cần quy định khi một DN viễn thông có kế hoạch ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông thì có cơ chế để DN viễn thông khác được góp vốn, được mua lại để duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ hoặc Nhà nước phải có trách nhiệm quản lý để đảm bảo hoạt động viễn thông được thông suốt.
Liên quan tới dịch vụ viễn thông khẩn cấp được quy định tại Điều 28 "dịch vụ viễn thông khẩn cấp là dịch vụ gọi đến các số liên lạc khẩn cấp của cơ quan CA, cứu hỏa, cấp cứu", theo ĐB nên chỉ quy định 1 số điện thoại dễ nhớ để gọi trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến cả 3 lực lượng. ĐB đề nghị cần có cơ chế nội bộ trường hợp nào sẽ huy động 1 lực lượng và trường hợp nào huy động cả 3 lực lượng: CA, cứu hỏa, cấp cứu khi người dân, DN liên lạc khẩn cấp.
“Trên điện thoại, trên 1 số xe ô tô có nút gọi khẩn cấp. Nhiều trường hợp người dân gặp các tình huống nguy hiểm bị đe dọa tính mạng, chỉ kịp bấm nút khẩn cấp mà không trao đổi được với CA, cứu hỏa, cấp cứu thì công ty viễn thông sẽ biết được vị trí của người gọi để thông báo để lại với CA, cứu hỏa, cấp cứu. Ví dụ người dân bị cướp, bị đột nhập, phương tiện giao thông bị cướp, bị tai nạn, bị chìm… Vì vậy cần có quy định về dịch vụ định vị trong tình huống khẩn cấp để các công ty viễn thông có cơ sở cung cấp dịch vụ này”, ĐB Cảnh góp ý.
ĐB Cảnh cho biết ở nước ngoài, nhiều con đường vắng, công viên vắng, khuôn viên các trường đại học rộng thường lắp đặt 1 trụ thông báo khẩn cấp. Nếu người dân, sinh viên đi lúc vắng người mà cảm thấy bị đe dọa thì có thể đến trụ thông báo khẩn cấp này và bấm 1 nút ở trên trụ thì thông tin khẩn cấp sẽ đến được lực lượng chức năng để nhờ cứu trợ. Từ thực tế này, ĐB Cảnh đề nghị ngành viễn thông, ngành giáo dục, ngành giao thông cũng cần quan tâm đến việc lắp đặt các trụ thông báo khẩn cấp.
N. HÂN