Quốc hội sẽ giám sát việc phát triển nhà ở xã hội trong năm 2024
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề năm 2024 liên quan tới lĩnh vực quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở nhà xã hội.
Với tỷ lệ 91,50% đại biểu tán thành, Kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV đồng ý lập đoàn giám sát chuyên đề 2024 về "thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội".
Theo đó, Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ thực hiện 4 nội dung chính.
Thứ nhất, ban hành chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015 - 2023. Trong đó tập trung vào việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết.
Thứ hai, tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Thứ ba, Quốc hội sẽ giám sát làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản; tình hình xử lý các sai phạm trong lĩnh vực bất động sản. Từ đó, chỉ ra những tồn tại, hạn chế ở thể chế, quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, nhà ở, đô thị, xây dựng, nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp…
Thứ tư, Quốc hội giám sát việc phát triển nhà ở xã hội, đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó trọng tâm vào kiểm tra việc thực hiện dự án nhà ở xã hội (bao gồm: trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, trong đó có việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội).
Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng sẽ làm việc liên quan đến vấn đề xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; quản lý, vận hành nhà ở xã hội.
Theo Nghị quyết, Đoàn Giám sát của Quốc hội sẽ làm việc Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trưởng đoàn Giám sát chuyên đề này do ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đảm nhận. Phó đoàn gồm: ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Tại Kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu chỉ ra những hạn chế, tồn tại liên quan chính sách nhà ở xã hội chưa sát thực tiễn, nhiều người dân thu nhập thấp khó tiếp cận mua nhà xã hội.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, việc thực hiện nhà ở xã hội "thực tế còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu và yêu cầu đề ra. Có địa điểm nhà ở xã hội không ai tham gia, nơi lại quá đông. Cách xác định đối tượng mua nhà ở xã hội cũng còn nhiều tranh luận khác nhau".
Do đó, ông đề nghị nội dung giám sát cần tập trung làm rõ ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội; tổ chức nào cung cấp; thực trạng sử dụng nhà ở xã hội; mục tiêu, ý nghĩa của chương trình giám sát thông qua kết quả đạt được; khoảng cách tiếp cận nhà ở xã hội đến chỗ làm việc của người dân, khoảng cách đến các cơ sở địa phương…
Theo HÀ CƯỜNG (VTC News)