El Nino chính thức xuất hiện, nhiều nước Đông Nam Á gấp rút lên biện pháp ứng phó
El Nino chính thức quay trở lại, có khả năng dẫn đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt vào cuối năm 2023 như các cơn bão nhiệt đới xuất hiện ở Thái Bình Dương hay mưa lớn ở Nam Mỹ, hạn hán ở Australia và một số vùng ở châu Á.
Tình trạng hạn hán. Ảnh: Philstar.
7 năm trước, hiện tượng El Nino mạnh đã diễn ra ở Thái Bình Dương, gây ra một loạt thay đổi thời tiết đáng lo ngại trên thế giới. Indonesia đối mặt với hạn hán nghiêm trọng với các trận cháy rừng, trong khi mưa lớn làm ngập các ngôi làng và cánh đồng của nông dân ở một số vùng Sừng châu Phi. Hiện tượng thời tiết này cũng khiến năm 2016 trở thành năm nóng nhất được ghi nhận.
Hiện El Nino đã trở lại, làm dấy lên mối lo ngại về các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, lập một kỷ lục nắng nóng toàn cầu khác, tác động lớn đến nông nghiệp và nguồn cung thực phẩm.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: “WHO đang chuẩn bị cho khả năng rất cao là hiện tượng El Nino trong năm 2023 và 2024 có thể làm tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại bệnh liên quan đến virus khác như Zika và chikungunya. Tác động của biến đổi khí hậu làm tăng khả năng sinh sản của muỗi và lây lan các bệnh này nhanh hơn.”
Trước các mối lo ngại này nhiều quốc gia Đông Nam Á lên biện pháp ứng phó.
Philippines huy động mọi nguồn lực để đối phó với El Nino
Cơ quan Khí tượng Philippines tuyên bố El Nino bắt đầu vào tuần tới tại quốc gia này và người dân nên chuẩn bị ứng phó. El Nino có thể gây ra tình trạng hạn hán và khô hạn nghiêm trọng tại một số khu vực của Philippines, trong khi mưa lớn có thể diễn ra ở vùng phía Tây đất nước, gây tình trạng lụt lội nghiêm trọng.
Kể từ ngày 14.5, Cơ quan Quản lý dịch vụ thiên văn, địa vật lý và khí quyển Philippines (PAGASA) ghi nhận các khu vực có chỉ số nhiệt “nguy hiểm” dao động từ 42 - 47 độ C. Để đảm bảo rằng tất cả các biện pháp đã được xem xét và tối đa hóa, chính phủ Philippines thành lập Nhóm đặc nhiệm El Nino, với nhiệm vụ xây dựng một kế hoạch phục hồi và chuẩn bị ứng phó thiên tai toàn diện.
Bộ Nông Nghiệp Philippines cũng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất đối với nguồn cung gạo của đất nước. Theo Bộ Nông nghiệp Philippines, El Nino có khả năng tăng cường vào quý III/2023 và kéo dài đến năm 2024. Philippines cần có lượng gạo tồn kho dự trữ ít nhất là 52 ngày. Nếu tình trạng nguồn cung gạo thiếu hụt, Philippines có thể phải nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp Philippines khuyến khích nông dân trồng các giống cây có khả năng chống nóng; giải quyết tình trạng rò rỉ trong hệ thống thủy lợi để tránh lãng phí nguồn cung cấp nước hay lựa chọn cuối cùng, tốn kém hơn, đó là làm mưa nhân tạo để cung cấp nước cho các hệ thống tưới tiêu.
Indonesia không để lặp lại tình trạng năm 2016
Năm 2015-2016, hiện tượng El Nino xảy ra gây ra hạn hán cũng như cháy rừng ở một số khu vực ở Indonesia, khiến sản xuất nông nghiệp và khai khoáng sụt giảm, cuối cùng đẩy tỷ lệ lạm phát lên cao. Để tránh lặp lại những vấn đề của năm 2016, chính phủ Indonesia yêu cầu tất cả các bộ/ngành liên quan cũng như chính quyền địa phương sớm bắt tay vào chuẩn bị và xem xét tất cả các biện pháp để không tái diễn các vấn đề cách đây 8 năm.
Dựa trên dữ liệu thu được từ Bộ Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia, nhiệt độ nước biển đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2016. Ngoài ra, một đợt nắng nóng quét qua châu Á gần đây, với một số quốc gia báo cáo nhiệt độ cao kỷ lục ở một số khu vực. Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), cứ 5 hộ gia đình thì có 3 hộ gia đình bị mất một phần thu nhập do hạn hán, trong khi cứ 5 hộ gia đình thì có 1 hộ phải giảm chi tiêu cho lương thực do thiên tai. Theo Bộ Thương mại Indonesia, cần chủ động ứng phó với hiện tượng thời tiết El Nino và dự trữ gạo cho người dân không được hạn chế. Indonesia gần đây đã tăng cường các thỏa thuận nhập khẩu gạo dự trữ. Để lường trước hạn hán, Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng đã phân phát 4 tấn giống lúa ưu việt mới, có thể thích ứng với hạn hán cho nông dân.
Theo Phạm Hà (VOV)