Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Hiệp ước tài chính toàn cầu mới tại Paris
Hội nghị thượng đỉnh Hiệp ước tài chính toàn cầu mới do Pháp khởi xướng đã khai mạc tại thủ đô Paris ngày 23.6 với sự tham gia của hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế.
Hội nghị hướng tới mục tiêu đặt cơ sở cho một Hiệp ước tài chính toàn cầu mới có thể vận động các nguồn đầu tư công và tư để tăng cường hỗ trợ các quốc gia phía Nam ứng phó với đói nghèo và biến đổi khí hậu.
Trong bài diễn văn khai mạc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh các nước phía Nam đang phải chịu tác động nhiều nhất từ sự biến đổi khí hậu cũng là những quốc gia khó khăn về kinh tế, nợ công cao nên không có điều kiện để lựa chọn giữa chống đói nghèo hay chống biến đổi khí hậu.
Trong một thời gian dài, các quốc gia phía Nam cũng như các nước đang phát triển đã bị lãng quên trong các khuôn khổ đối thoại về tài chính và không thể tiếp cận các nguồn đầu tư hay các khoản vay do các điều kiện đi kèm ngặt nghèo.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Actu).
Theo người đứng đầu nước Pháp, hệ thống tài chính toàn cầu đang vận hành là kết quả của sự đồng thuận trong quá khứ, không còn hoạt động đủ nhanh và phù hợp nữa nên cần được điều chỉnh lại cho thích ứng với các mục tiêu toàn cầu hiện nay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mong muốn, Hội nghị sẽ đặt ra những cơ sở cho một cấu trúc tài chính toàn cầu mới với sự tham gia của các nước phía Nam, trong đó đề cao vai trò của các tổ chức nhà nước trong việc thúc đẩy nguồn tài chính công lớn hơn cũng như xây dựng niềm tin để lĩnh vực tư nhân có thể tăng mạnh đầu tư vào các quốc gia phía Nam trong nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ cần phải tăng mạnh đầu tư công. Trước những thách thức đói nghèo, khí hậu hay đa dạng sinh học, chúng ta cần phải đầu tư nhiều hơn nữa. Đây là điều mà chúng ta vẫn chưa thực hiện được. Để đạt được điều này, chúng ta cần sự nỗ lực của tất các quốc gia, tổ chức tài chính khu vực cũng như đa phương”.
Tại Hội nghị, lãnh đạo nhiều quốc gia kêu gọi cải cách thể chế, cơ cấu lại các khoản vay nợ của các nước nghèo, tăng cường vai trò của khu vực tư nhân… Nhiều ý kiến đề nghị xem xét áp đặt các khoản thuế mới, trong đó đáng chú ý là thuế phát thải khí các-bon trong lĩnh vực vận tải biển.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen ủng hộ việc mời các quốc gia chủ nợ tham gia vào các cuộc đàm phán tái cấu trúc cho các nước nghèo và đang phát triển.
Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva thông báo mục tiêu huy động 100 tỷ USD thông qua quyền rút vốn đặc biệt mà các nước công nghiệp phát triển G7 đã cam kết sẽ được thực hiện trong năm nay để giúp đỡ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất.
Nhiều quốc gia châu Phi lên tiếng chỉ trích các nước giàu đã bỏ mặc các quốc gia nghèo và đang phát triển nhưng lại sẵn sàng bơm nhiều tỷ đô la cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo Mạnh Hà (VOV)