Ðề phòng tai nạn, bệnh nghề nghiệp trong sản xuất nông nghiệp
Thời gian gần đây, các trạm y tế trên địa bàn huyện Tuy Phước tiếp nhận nhiều trường hợp nông dân phải cấp cứu trong tình trạng say nắng và nôn mửa, do làm việc trong thời gian dài dưới nắng nóng và hít phải quá nhiều thuốc trừ sâu trong quá trình phun thuốc.
Năm 2022, trên địa bàn huyện Tuy Phước đã xảy ra 34 vụ tai nạn lao động phải cấp cứu với nhiều loại tổn thương khác nhau, trong đó nhiều nhất là chấn thương chân, tay. Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước, trong năm 2022, đã có 2 trường hợp tử vong do gặp tai nạn trong quá trình lao động, trong đó có 1 nông dân. Cụ thể, ngày 17.8.2022, anh N.V.G (SN 1994, ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp), khi đang cắm điện sử dụng mô tơ để bơm nước tưới nấm thì bị điện giật tử vong tại chỗ. Được biết, gia đình anh G. thuộc diện khó khăn, anh là lao động chính trong gia đình.
Trên thực tế, rất nhiều trường hợp xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được thống kê đầy đủ. Bản thân người nông dân cũng không mấy quan tâm đến vấn đề này. Khi nói đến an toàn lao động, đa số nông dân rất bàng quan vì cho rằng làm nghề nông ít rủi ro nhất.
Tình trạng nông dân không được bảo hộ kỹ, không đeo khẩu trang khi phun thuốc bảo vệ thực vật diễn ra khá phổ biến. Ảnh: X.Q
Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn trong lao động nông nghiệp là do tốc độ cơ giới hóa và tỷ lệ sử dụng hóa chất trong ngành nông nghiệp tăng cao; trong khi nông dân lại ít được phổ cập kiến thức để thành thạo trong việc sử dụng máy móc cũng như hiểu biết về các hóa chất trong nông nghiệp. Việc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất lâu ngày hoặc vận hành máy móc theo hướng tự mày mò, học lỏm sẽ gây nên nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Đơn cử, ông M.H.T.T. (ở xã Phước Quang) trong quá trình cắt lúa đã cắt vào chân, làm đứt gân chân, phải điều trị ở bệnh viện tại TP Đà Nẵng 3 tháng. Mặc dù đã khỏi bệnh, nhưng ông T. không thể lao động như trước, phải mưu sinh bằng nhiều nghề khác như nuôi gà, bán vé số…
Bà N.T.K.T (ở xã Phước Hòa) sau khi khám tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng thì bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi. Khai thác bệnh sử cho thấy, trong quá trình lao động, bà thường xuyên tiếp xúc với thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
Để hạn chế thấp nhất tai nạn và những rủi ro khi tham gia sản xuất, người nông dân phải loại bỏ tâm lý chủ quan trong mọi hoạt động. Cần chủ động trang bị cho mình các dụng cụ bảo hộ lao động như áo khoác, mũ nón, khẩu trang để tránh tiếp xúc trực tiếp với các chế phẩm bảo vệ thực vật; phải mang ủng, giày khi lao động để tránh giẫm phải vật nhọn. Phải nắm rõ các nguyên lý vận hành khi sử dụng bất kỳ loại máy móc nào, không được tự ý tháo lắp, mày mò khi không có người hướng dẫn.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần nâng cao nhận thức cho người nông dân; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hướng dẫn cách vận hành máy móc để tránh sự cố xảy ra. Cần mở thêm nhiều đợt tập huấn để phổ cập kiến thức về an toàn lao động.
Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Tuy Phước, số lượng nông dân tham gia BHXH tự nguyện đã tăng lên. Cụ thể, toàn huyện hiện có 896 nông dân tham gia BHXH, trong khi tại thời điểm cuối năm 2021 chỉ có 678 người.
Bà Lê Thị Thu Hường, Phó Giám đốc phụ trách BHXH huyện Tuy Phước, cho biết: “Việc người nông dân tham gia BHXH là cần thiết. Khi không may có tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra, nông dân sẽ được giải quyết các chế độ BHXH cho người thụ hưởng theo đúng quy định của pháp luật. Người nông dân cần thay đổi nhận thức, chủ động tham gia BHXH tự nguyện để bảo đảm an sinh, ổn định cuộc sống”.
XUÂN QUỲNH