Hoài Ân đầu tư mở rộng diện tích lúa hữu cơ
Năm 2023, huyện Hoài Ân đặt mục tiêu mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn lên 15,5 ha, đồng thời hỗ trợ việc hoàn thiện quy trình canh tác tiến tới đăng ký cấp giấy chứng nhận và đăng ký nhãn hiệu Gạo hữu cơ Hoài Ân.
Năm 2019, HTXNN Ân Tín (xã Ân Tín) bắt đầu thí điểm sản xuất lúa hữu cơ. Trên cơ sở đó, UBND huyện Hoài Ân giao Phòng NN&PTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật canh tác hữu cơ, quy mô 2,75 ha trên cánh đồng Soi Đập, thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín. Đến năm 2022, HTXNN Ân Tín được đơn vị chuyên môn cấp chứng nhận sản phẩm gạo hữu cơ với diện tích trên, thời gian chứng nhận từ tháng 9.2022 đến tháng 9.2024.
Theo ông Bùi Long Xuân, Giám đốc HTXNN Ân Tín, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ là một hướng đi phù hợp với sự phát triển của xã hội nói chung và của HTX nói riêng. Thực tế cho thấy gạo hữu cơ Ân Tín dần được người tiêu dùng tín nhiệm, chọn dùng. Điều quan trọng là sản xuất hữu cơ tuy có nhiều khó khăn do yêu cầu ràng buộc, tiêu chí cao nhưng khi đáp ứng được thì thấy rõ nhiều điểm vượt trội như giảm chi phí đầu vào, chất lượng gạo cao, người tiêu dùng không những chấp nhận mua với giá cả mang lại lợi nhuận tốt mà còn trở thành khách hàng bền vững, từ đó cho phép HTX tính toán đầu tư dài hơi và tăng lợi nhuận bền vững. Hơn nữa canh tác hữu cơ giúp thay đổi tư duy của bà con nông dân, cải thiện chất lượng môi trường.
Đại diện HTX và lãnh đạo địa phương tham quan mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn xã Ân Tường Tây trong vụ Đông Xuân 2022 - 2023Ảnh: THU DỊU
Tiếp theo xã An Tín, vụ Thu năm 2023, xã Ân Nghĩa thí điểm triển khai mô hình canh tác lúa hữu cơ đầu tiên. Theo ông Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, trên cơ sở định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện năm 2023, xã Ân Nghĩa đăng ký mô hình sản xuất lúa hữu cơ với quy mô 2 ha ở thôn Bình Sơn, canh tác giống lúa Hương Châu; đến nay diện tích lúa này đang sinh trưởng và phát triển tốt. UBND xã giao cán bộ phụ trách nông nghiệp phối hợp với HTXNN Ân Nghĩa và cán bộ kỹ thuật của huyện, tỉnh cùng theo dõi mô hình này, kịp thời hỗ trợ trong trường hợp có khó khăn khi sản xuất. Ngoài cây lúa, trên địa bàn xã đã có một số mô hình canh tác hữu cơ, trong đó sản phẩm bưởi, dưa các loại đã được cấp chứng nhận. Các mô hình này tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, đặc biệt là tạo ra thay đổi trong thói quen bảo vệ môi trường của người dân. Do vậy, với sản xuất lúa hữu cơ, UBND xã Ân Nghĩa kỳ vọng sẽ thành công để mở hướng phát triển rộng ra trên địa bàn.
Những tín hiệu tích cực từ mô hình thử nghiệm tạo tiền đề giúp huyện Hoài Ân đầu tư mở rộng diện tích canh tác lúa hữu cơ. Đến nay, huyện quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ lên 15,5 ha tại các xã Ân Tín, Ân Tường Tây, Ân Nghĩa, Ân Mỹ và Ân Hữu. Trong quý III và quý IV/2023, ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ thực hiện cấp chứng nhận hữu cơ thêm cho 6/15,5 ha lúa canh tác hữu cơ của địa phương, nâng diện tích được chứng nhận lên gần 9 ha; các diện tích chưa hoàn chỉnh được hỗ trợ nhằm tiếp tục cải thiện tình hình để năm 2024 có thể nộp hồ sơ đăng ký cấp chứng nhận hữu cơ. Cùng với đó, trong năm nay, cùng với chính quyền các cấp, huyện Hoài Ân hỗ trợ HTXNN Ân Tường 1 và HTXNN Ân Tường 2 (xã Ân Tường Tây) phát triển thành HTXNN ứng dụng công cao trong sản xuất lúa hữu cơ.
Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, việc tăng diện tích sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn nằm trong kế hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện giai đoạn 2021 - 2025. Trong năm 2023, huyện hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật, đăng ký cấp chứng nhận thêm cho 6 ha canh tác lúa hữu cơ, thực hiện cấp mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ thị trường nội địa cho diện tích này; đồng thời đăng ký xây dựng nhãn hiệu “Gạo hữu cơ” Hoài Ân. Một khâu quan trọng là liên kết để tạo đầu ra cho sản phẩm, chính quyền các cấp huyện đang xây dựng kế hoạch quảng bá sản phẩm, xúc tiến để kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đưa các sản phẩm gạo hữu cơ của Hoài Ân qua kênh tiêu thụ của HTXNN chuyên ngành, qua các sàn thương mại điện tử của tỉnh để tăng cơ hội cho sản phẩm địa phương.
THU DỊU