Sinh viên vào mùa làm thêm
Nghỉ hè là khoảng thời gian nhiều sinh viên tranh thủ đi làm thêm để phụ giúp gia đình, chuẩn bị chi phí cho năm học mới, đồng thời có cơ hội trải nghiệm, rèn luyện các kỹ năng để năng động, tự tin hơn.
Chia sẻ khó khăn với gia đình
Như nhiều sinh viên (SV) khác, vừa bước vào kỳ nghỉ hè năm nay, Nguyễn Thị Thanh Thoa (SV năm nhất, khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn, Trường ĐH Quy Nhơn) đã đi làm thêm để có thu nhập phụ giúp gia đình.
Trước đây Thoa có thời gian đi làm thêm ở một tiệm billiards, nhưng do tiệm hoạt động muộn, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và việc học, nên Thoa xin nghỉ làm. Sau đó, Thoa xin vào làm thu ngân, bán hàng tại một công ty chuyên bán các sản phẩm trái cây sạch ở phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn), ca làm việc từ 15 - 22 giờ, thu nhập 4 - 4,5 triệu đồng/tháng.
Bạn Nguyễn Thị Thanh Thoa làm việc tại công ty bán trái cây. Ảnh: D.Đ
“Ba mẹ tôi đều làm công nhân nên thu nhập thấp, không ổn định, còn phải nuôi 2 em nhỏ đang tuổi đi học. Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đã chủ động đi kiếm việc làm thêm để có tiền trả học phí, tự lo cho mình, không cần sự hỗ trợ từ gia đình”, Thoa chia sẻ.
Tương tự, mùa hè này, bạn Nguyễn Văn Phúc (SV năm 2, khoa Công nghệ ô tô, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, có thêm tiền trang trải cho năm học sắp tới. Qua lời giới thiệu của bạn bè, Phúc vào làm thợ phụ máy gầm cho một tiệm sửa xe ô tô tại phường Quang Trung.
Phúc cho biết, công việc làm thêm này mang lại cho bạn thu nhập 2 - 3 triệu đồng/tháng để trang trải sinh hoạt phí hằng ngày, chuẩn bị cho năm học mới. Ngoài ra, còn giúp bạn nâng cao tay nghề, bởi đây là công việc liên quan trực tiếp đến môn học mà bạn theo học ở trường và công việc sau này.
Bạn Nguyễn Văn Phúc làm việc tại tiệm sửa xe. Ảnh: D.Đ
Tìm hiểu kỹ, phòng tránh rủi ro
Hiện trên các trang mạng xã hội có nhiều hội, nhóm thường đăng các thông tin giới thiệu việc làm với những “lời có cánh” như: Việc nhẹ, lương cao, nhập mã kiếm tiền, cộng tác viên bán hàng online… nhằm đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh của SV nghèo. Nhiều SV đã bị lừa đảo, tiền mất tật mang và chịu nhiều gánh nặng về tâm lý.
Theo TS Đặng Nguyên Thoại, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Quan hệ DN (Trường ĐH Quy Nhơn), từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm đã kết nối với nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ và DN để tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 200 lượt SV với nhiều ngành nghề và công việc khác nhau. Làm thêm giúp SV có nguồn thu nhập nhất định, giúp SV học hỏi được nhiều kinh nghiệm bổ ích.
“Hiện nay, tại Trường ĐH Quy Nhơn, SV đa phần ở ngoài tỉnh, không ít bạn có hoàn cảnh khó khăn. Các em tìm kiếm việc làm thêm, làm thời vụ, rất dễ vướng vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. Vì vậy, để tìm kiếm công việc phù hợp, SV cần tìm ở những địa chỉ uy tín, tránh lấy thông tin từ mạng xã hội không được xác thực rõ ràng. Ngoài ra, các bạn nên tự trang bị kỹ năng để nhận diện những chỗ giới thiệu việc có dấu hiệu lừa đảo”, ông Thoại nói.
Còn Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định (Sở LĐ-TB&XH) Phan Thanh Trị cho biết, với sự phát triển của internet, công nghệ cao hiện nay, các hình thức lừa đảo ngày càng đa dạng, tinh vi hơn. Các đối tượng lừa đảo thường xuyên nhắm vào những SV nghèo cần công việc làm thêm nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tế.
“Để phòng tránh “bẫy” lừa đảo tìm kiếm việc làm thêm, các SV tìm việc làm cần chú ý phần mô tả công việc tuyển dụng của công ty phải thể hiện rõ ràng, cụ thể về mức lương, công việc, địa chỉ; được đăng tải trên những website chính thống. Phải gặp trực tiếp nhà tuyển dụng khi trao đổi công việc, không phỏng vấn trực tuyến qua các ứng dụng mạng xã hội; không đóng các khoản phí, tiền đặt cọc; không chia sẻ thông tin cá nhân. Đặc biệt, sau khi đi làm, nhận việc phải có hợp đồng lao động để tránh những rủi ro về sau”, ông Trị lưu ý.
DUY ĐĂNG