Nông dân Hồ Trọng Lập: Nuôi dưỡng tinh thần dám nghĩ, dám làm..
Không chỉ cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm để làm giàu cho gia đình, nông dân Hồ Trọng Lập còn tích cực giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, biết cách làm ăn hiệu quả.
VƯỢT KHÓ, LÀM GIÀU TỪ TÔM, CUA, CÁ
Dẫn chúng tôi bon bon trên triền đê lộng gió, chỉ tay xuống mặt nước rộng mênh mông, ông Lập nói rằng đây đều là đầm của ông. Trước đây, gia đình ông Lập chỉ làm lúa và chăn nuôi heo. Nhà có 3 người con, vợ lại bị tai biến nên cuộc sống hết sức khó khăn. Từ khi chuyển sang nuôi trồng thủy sản, gia đình ông có của ăn, của để.
● Ông có thể chia sẻ về hành trình vượt khó, vươn lên làm giàu của mình?
- Năm 1995, gia đình tôi chạy vạy được ít tiền và tham gia đấu giá 1 ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Lúc đầu bản thân tôi vừa làm vừa nghiên cứu, cộng với nguồn vốn ít, không có tiền mua con giống nhiều nên việc nuôi trồng không đạt hiệu quả.
Ròng rã nhiều năm liền tôi tự mày mò, nghiên cứu kiến thức nuôi trồng thủy sản thông qua sách báo, trực tiếp tham gia các lớp tập huấn, tham quan các mô hình hiệu quả để học được nhiều kinh nghiệm quý giá trong nghề, từ cách xử lý phèn, kiểm tra độ pH, độ kiềm, cách tạo tảo, phiêu sinh vật để làm thức ăn cho tôm, cua, cá mau lớn... cho tới cách chọn con giống.
Năm 2014, tôi chính thức bắt đầu hành trình vươn lên trên mảnh đất quê hương. Năm đó, sau khi có được nguồn vốn vay từ các ngân hàng, tôi mạnh dạn mở rộng mô hình của mình, thuê 4 ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo hướng quảng canh cải tiến. Mô hình này rất thân thiện với môi trường với đối tượng nuôi chính là tôm sú, nuôi xen cua và cá các loại. Trong đó, hằng năm, tôi nuôi một vụ kéo dài, thả giống nhiều đợt và thu tỉa có chọn lọc theo từng đối tượng nuôi và theo từng con nước.
So với nuôi công nghiệp, sản lượng tôm sú, cua biển, các loại cá khi nuôi quảng canh cải tiến ít hơn, nhưng giá trị kinh tế lại cao hơn hẳn. Ngày nào tôi cũng thu hoạch và thương lái đến tận đầm thu mua. Từ đó, kinh tế gia đình tôi bắt đầu ổn định và có tích lũy. Tôi đã xây dựng được nhà khang trang, nuôi 3 con tốt nghiệp đại học.
● Và đến nay, sau nhiều năm phát triển thì quy mô và hiệu quả kinh tế của mô hình ra sao?
- Hiện nay, tổng sản lượng bình quân hằng năm tôi thu hoạch từ 3 - 5 tấn tôm, 2 - 3 tấn cá các loại và 2 - 2,5 tấn cua. Liên tục từ năm 2018 đến nay, năm nào tôi cũng có thu nhập bình quân khoảng 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ mọi chi phí sản xuất, năm nào ít nhất cũng cho lãi ròng trên 500 triệu đồng. Thường xuyên tạo công ăn, việc làm thời vụ cho 10 lao động tại địa phương với thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng.
● Đâu là bí quyết giúp ông thành công với mô hình này?
- Trước đây ông bà ta nuôi quảng canh kiểu truyền thống, một hạt phân, một hạt vôi hay bất cứ công nghệ gì cũng không sử dụng, chỉ dựa vào tự nhiên. Nhưng tôi thì khác, tôi nuôi trồng theo hướng quảng canh cải tiến, áp dụng KHKT để nuôi trồng hiệu quả hơn.
Đơn cử như khi bắt đầu làm, thấy chất đất cằn, xơ, bã, tôi quyết tâm cải tạo lại đầm. Sau khi tháo cạn nước trong đầm, sên vét đáy đầm, tôi bón vôi để tăng độ kiềm vì đầm lâu năm, nghèo chất dinh dưỡng. Nhờ đó, bùn có kết cấu tơi xốp, cải tạo điều kiện không khí ở tầng đáy, làm tăng độ dinh dưỡng cho đầm. Đồng thời, tôi còn sử dụng một số phương pháp để gây màu nước, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, cua, cá phát triển. Bên cạnh đó, tôi còn chủ động lựa chọn, sử dụng con giống có chất lượng cao; luôn luôn tuân thủ và thực hiện nghiêm lịch thả giống thủy sản theo khuyến cáo của địa phương.
Thực tế kinh nghiệm mình trải qua, tôi có thể khẳng định mô hình nuôi tôm sú, cua, cá theo hình thức quảng canh cải tiến rất hiệu quả, ăn chắc. Nếu nuôi tôm thất bại thì cua, cá sẽ kéo lại. Đặc biệt, chất lượng của con tôm, cua hay cá nuôi theo hình thức này cũng rất ngon, được thị trường ưa chuộng.
Ông Lập trên đầm nuôi thủy sản của gia đình. Ảnh: H.P
SỐNG CÓ TRÁCH NHIỆM, CHIA SẺ VỚI CỘNG ĐỒNG
Trong lúc trò chuyện, thỉnh thoảng ông Lập lại nhận điện thoại của bà con nhờ tư vấn về cách kiểm tra nguồn nước trong đầm và phương pháp điều chỉnh phù hợp. Gần 60 tuổi, ông vẫn đi lại như con thoi khắp xã, cầm tay chỉ việc cho nông dân cách nuôi thủy sản để “trúng lớn”.
● Để giúp bà con làm kinh tế hiệu quả, nâng cao cuộc sống, ông đã giúp đỡ họ như thế nào?
Năm 2022, nông dân Hồ Trọng Lập (59 tuổi, ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ nhiều nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh Bình Định. Ngoài ra, ông Lập còn được UBND tỉnh tặng bằng khen vào năm 2019; đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2012 - 2016...
- Bà con hỏi gì, nếu mình biết thì mình cứ chia sẻ thôi. Tỉ như việc tôi có điều kiện được tham gia nhiều lớp tập huấn, tham quan nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, nên học hỏi được nhiều kinh nghiệm, ai có nhu cầu tôi đều chia sẻ hết. Đồng thời, tôi cũng giúp bà con tìm kiếm nguồn giống chất lượng hoặc tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ đã nâng cao chất lượng và năng suất nuôi trồng thủy sản, từ đó nâng cao thu nhập.
Đặc biệt, trong thời gian qua, tôi cũng đã hỗ trợ cho 10 hộ nông dân khó khăn trong xã mượn vốn, với số tiền 150 triệu đồng không lấy lãi để đầu tư phát triển sản xuất, trong đó có 7 hộ nghèo và cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, thông qua sự giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật của tôi, có 15 hộ gia đình ở địa phương đã xây dựng thành công mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả.
● Không chỉ vô tư giúp người khác, người dân địa phương quý mến ông còn bởi tính xông xáo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội khác…
- Tôi nghĩ dù gì mình cũng có chút “chức sắc” nho nhỏ ở địa phương (Chi hội phó Chi hội nông dân thôn Vinh Quang 2 - PV) và điều kiện kinh tế gia đình đã ổn định nên phải gương mẫu, tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua tại địa phương. Có như vậy, khi đi tuyên truyền, vận động tham gia các phong trào thì bà con mới tin và làm theo.
Cá nhân tôi trong hai năm trở lại đây đã tích cực đóng góp ủng hộ công tác từ thiện, khuyến học ở địa phương với số tiền trên 30 triệu đồng. Đồng thời, tích cực cùng nhân dân địa phương tham gia đóng góp ngày công, kinh phí xây dựng đường bê tông nông thôn, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường.
KHÔNG CHÙN BƯỚC TRƯỚC KHÓ KHĂN
● Theo ông, đâu là điều cần thiết để người nông dân hiện nay xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả, vươn lên làm giàu?
- Bác Hồ đã từng dạy: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền”. Theo tôi, nông dân thời đổi mới phải biết tận dụng thời cơ, nhạy bén, biến khó khăn, tiềm năng thành thế mạnh để vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Trong đó, mỗi người cần nuôi dưỡng cho mình tinh thần dám nghĩ, dám làm, chịu khó, chịu khổ, không chùn bước trước khó khăn, thử thách. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh phải có tinh thần ham học hỏi, cầu tiến để có kiến thức, từ đó áp dụng vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả.
● Xin cảm ơn ông. Chúc ông gặt hái nhiều thành công hơn nữa!
“Không chỉ là nông dân điển hình, trong nhiều năm qua, với vai trò là Chi hội phó Chi hội Nông dân thôn Vinh Quang 2, ông Hồ Trọng Lập luôn sống có trách nhiệm với cộng đồng; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, giúp đỡ bà con cùng phát triển kinh tế, cùng làm giàu như mình”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Sơn NGUYỄN THỊ MỸ NHUNG
HỒNG PHÚC (Thực hiện)