NHÂN NGÀY GIA ÐÌNH VIỆT NAM 28.6
Thuận vợ thuận chồng, tát biển Ðông cũng cạn
Cùng với những cặp vợ chồng đã chấp nhận khiếm khuyết cơ thể từ đầu, có không ít cặp sau tai ương, biến cố, người vợ hoặc chồng đã không còn lành lặn, khỏe mạnh, là trụ cột của gia đình như đã từng. Người còn lại, không chỉ phải tự mình vượt qua cú sốc của bản thân mà còn phải an ủi, động viên, trở thành điểm tựa, tạo niềm tin, niềm vui sống cho người bạn đời.
Hạnh phúc vầng trăng khuyết
Năm 2022, vợ chồng anh Nguyễn Văn Cường (SN 1976) - chị Nguyễn Thị Quý (SN 1979, ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) đã được chọn tham gia chương trình giao lưu “Hạnh phúc Vầng trăng khuyết” ở Hà Nội do Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức. Vợ chồng ngồi nhắc lại kỷ niệm đẹp này, anh Cường trêu vợ: “Chắc nhờ anh nổi tiếng… chiều vợ”. Chị cười, bởi nhiều lần đã nghe hàng xóm loáng thoáng “so bì” khi thấy anh rong ruổi cả ngày ngoài đường đi bán kem kiếm tiền nuôi vợ con, nắng nóng làm mặt mũi phờ phạc, vậy mà về tới nhà lại phụ chị làm việc nhà không ngớt tay. Trời mưa, anh giành việc chở con đi học, để vợ không bị cảm vặt.
Vợ chồng anh Cường, chị Quý cùng xem lại đặc san về chương trình giao lưu “Hạnh phúc Vầng trăng khuyết” ở Hà Nội. Ảnh: D.L
Người ngoài thấy anh cực, nhưng anh bảo mình thích vậy và thấy vui khi làm vậy. Anh và vợ không bị khuyết tật bẩm sinh mà chị sau cơn bạo bệnh, cơ chân teo dần; anh bị lật võng, chân bị lửa thiêu nên tổn thương vĩnh viễn. Duyên nợ khiến xui nên vợ thành chồng. “Tôi chỉ cần vợ cơm nước và chăm con thật tốt thôi. Bao nhiêu năm ở với nhau, tôi không có gì phiền lòng cả, chỉ có vợ… cằn nhằn vì lo tôi đi sớm về tối, lê la với bạn bè thôi”, anh vui vẻ chia sẻ.
Anh khoe, căn nhà ở hiện tại do hai vợ chồng tích cóp, tằn tiện xây nên. Xác định dù tật nguyền nhưng không sống ỷ lại, hai vợ chồng anh luôn chủ động, tính toán xoay xở, làm được mọi việc cần làm. Hiện tại, anh chị có 2 người con trai. Con trai lớn chuẩn bị lên năm thứ 3 Trường ĐH Công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Con trai út qua hè này vào lớp 11 Trường THPT số 1 An Nhơn. Cả 2 đều khiến bố mẹ tự hào vì ngoan ngoãn và có thành tích học tập tốt.
Sẻ chia và tôn trọng
Hơn 30 năm về chung nhà, vợ chồng ông Lê Thanh Bình (SN 1965) - bà Hồ Thị Thảo (SN 1964, ở xã Phước An, huyện Tuy Phước) đã trải qua rất nhiều thăng trầm, thử thách, vậy nhưng tổ ấm của họ chưa từng vì vậy mà bớt đi sự ấm áp. Ông Bình từng làm việc tại Nhà máy chế biến thức ăn huyện Tuy Phước, tại đây, ông gặp bà Thảo và nên duyên vợ chồng. Sau khi công ty giải thể, ông bà trở về làm nông, chăn nuôi để nuôi 2 người con được đi học đầy đủ. Êm ấm không được bao lâu thì ông Bình bị tai nạn lao động, mắt bị hỏng phải điều trị 1 năm. Khi ấy, bà Thảo cáng đáng mọi việc trong gia đình, trở thành trụ cột vững chắc để chồng yên tâm chữa trị, 2 con không lơ là việc học. Khi ông có thể đi làm trở lại, bà Thảo đột ngột bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư vú.
Ông Nhiên đọc những bản tin trong Tạp chí Đời mới viết bằng chữ braille cho vợ nghe..Ảnh: K.H
“Vợ tôi bị sốc khi nghe tin mình mắc bệnh. Con trai tôi khi đó muốn nghỉ học, đi học nghề để mẹ có tiền chữa trị. Thế nhưng, nghĩ cho tương lai của con, vợ chồng tôi cương quyết bảo con phải học đến nơi đến chốn. Còn tôi sẽ đồng hành cùng vợ chiến đấu đến cùng với bệnh tật”, ông Bình chia sẻ.
Trong 2 năm vợ điều trị, gia đình ông khi ấy là hộ nghèo. Nhưng ngay khi bà chiến thắng bệnh ung thư, ông đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Sau đó, vợ chồng ông lại cần mẫn bên mảnh ruộng, chuồng nuôi để dạy dỗ con thành người. Đến nay, con gái lớn của ông đã mở cửa hàng chuyên phân phối nguyên vật liệu chế biến thực phẩm tại quê nhà Phước An. Con trai làm việc cho tập đoàn Tân Long, quản lý chuỗi bán lẻ ở miền Bắc.
Hỏi ông Bình, với chừng ấy lao đao, ông thương vợ nhất ở điều gì? Ông trả lời ngay không chút do dự. “Vợ tôi là người hoàn hảo nhất trong mắt tôi. Bởi, không chỉ thương chồng, thương con, bà còn là “con gái” của nhà chồng. Tôi cũng có em gái nhưng ở xa, vậy là một tay vợ tôi chăm sóc mẹ già của tôi, quán xuyến tất tần tật việc lớn nhỏ bên nhà chồng”, ông Bình tâm sự.
Suy nghĩ này của ông Bình gần giống với suy nghĩ của ông Bùi Long Nhiên (SN 1968, ở phường Hoài Đức, TX Hoài Nhơn) về người vợ đảm của mình. Ông Nhiên là người trầm tính nhưng sống sâu sắc, luôn suy nghĩ trước sau. 5 năm trước khi mắt mờ dần rồi không nhìn thấy gì, nhiều lần ông đã nghĩ quẩn. Lúc đó, điều làm ông thấy yên tâm nhất là người vợ luôn sôi nổi hoạt bát của mình.
Vợ động viên ông tham gia Hội Người mù tỉnh, rồi trở thành Phó Chủ tịch Hội Người mù TX Hoài Nhơn; lại động viên ông đi học chữ braille để đọc sách, viết báo cáo cho Tỉnh hội. Từ ông, bà trở thành tình nguyện viên tích cực của Hội Người mù tỉnh kiêm nhà tài trợ đắc lực cho người mù khó khăn của xứ Dừa.
DƯƠNG LINH - KHÁNH HUÂN