Hiện tượng ấm lên toàn cầu đang xảy ra nhanh nhất ở châu Âu
Theo một báo cáo mới được công bố, châu Âu chuẩn bị đón những đợt nắng nóng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra, trong bối cảnh lục địa này chứng kiến hiện tượng ấm lên toàn cầu xảy ra nhanh nhất so với các khu vực khác.
Nhiệt độ trung bình tăng cao
Ngày 19.6, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Cơ quan về chính sách biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) công bố một báo cáo nghiên cứu ghi nhận những trận hạn hán kéo dài, nhiệt độ bề mặt biển tăng cao và hiện tượng tan băng chưa từng có tiền lệ. Báo cáo cũng cho thấy, kể từ những năm 1980, nhiệt độ tại lục địa già này đã ấm lên gấp 2 lần nhiệt độ trung bình toàn cầu, trong đó các nước như Pháp, Đức, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Anh, trải qua mùa hè năm 2022 nóng kỷ lục.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết, tại châu Âu, nhiệt độ cao “đã làm cho hạn hán trở nên nghiêm trọng và lan rộng hơn, gây ra các trận cháy rừng quy mô lớn và khiến hàng nghìn người chết do nắng nóng”. Theo báo cáo, trong khoảng 30 năm (từ 1991 - 2021), nhiệt độ tại lục địa này tăng khoảng 1,50C, làm hơn 16.000 người chết trong năm 2022, trong khi bão, lũ là nguyên nhân chính trong các thiệt hại ước tính khoảng 2 tỷ USD do thời tiết và khí hậu cực đoan gây ra.
Báo cáo cũng dẫn lời Giám đốc C3S Carlo Buontempo cho hay, không thể xem đây chỉ là vấn đề nhất thời hay hiện tượng bất thường của khí hậu. “Những hiểu biết của chúng tôi cho thấy, đây sẽ là nguyên nhân khiến cái nóng trở nên thường xuyên hơn và cường độ mạnh hơn trên khắp châu Âu”, ông nói.
Trong 30 năm qua, nhiệt độ tại châu Âu tăng 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ảnh: AFP/Jorge Guerrero.
Hy vọng ở năng lượng tái tạo
Theo các nhà nghiên cứu, nhiệt độ tăng nhanh là hồi chuông cảnh báo đối với các nền kinh tế và hệ sinh thái. Trên dãy Alps, các sông băng đã ghi nhận một khối lượng băng tan chảy kỷ lục trong năm 2022. Điều tương tự cũng đang xảy ra với các đại dương, trong đó nhiệt độ trung bình của bề mặt biển ở Bắc Đại Tây Dương nóng ở mức kỷ lục, còn tỷ lệ ấm lên ở phía đông Địa Trung Hải, Baltic và Biển Đen tăng gấp 3 lần so với trung bình toàn cầu.
Sóng nhiệt đại dương, vốn có thể khiến nhiều loài động vật di cư hay thậm chí chết, cũng kéo dài lên đến 5 tháng ở một số vùng, như: Phía đông Địa Trung Hải, Eo biển Anh và phía Nam của Bắc Cực. Ngoài ra, các vụ cháy rừng lớn cũng lan rộng tại nhiều vùng ở Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Slovenia hay CH Séc, hồi năm ngoái. Trong khi đó, hạn hán cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất điện, làm giảm sản lượng điện từ các nhà máy điện hạt nhân, vốn chủ yếu dựa vào nước để làm mát.
Tuy nhiên, trong báo cáo cũng nêu ra một tín hiệu tích cực cho tương lai của châu Âu, đó là trong năm ngoái, điện gió và điện mặt trời đóng góp đến 22,3% sản lượng điện của châu Âu, lần đầu tiên vượt qua khí hóa thạch (chỉ chiếm 20%). “Năng lượng mặt trời và gió có xu hướng bổ sung lẫn nhau trong cả năm, với việc bức xạ mặt trời thường cao hơn vào cuối mùa Xuân và mùa Hè, còn sức gió thì lại cao hơn trong mùa Đông, nhất là ở khu vực ngoài khơi bờ biển Ireland, Bồ Đào Nha và Biển Aegean”, báo cáo viết.
LÊ QUẢNG (Theo AFP, Irish Times)