Du ký Trung kỳ theo đường cái quan: Một tư liệu quý
Giai đoạn 1885 - 1887, nhờ được chính quyền thực dân Pháp giao nhiệm vụ thiết lập đường dây điện báo nối Nam kỳ với Huế và Bắc kỳ, Camille Paris (1856 - 1908) có cơ hội đặt chân đến các vùng đất ở Trung kỳ (Việt Nam). Cuốn sách Du ký Trung kỳ theo đường cái quan (*) được ông viết trong khoảng thời gian này và trong đó ông dành nhiều trang viết về vùng đất Bình Ðịnh.
Camille Paris đã có hơn hai năm thâm nhập đời sống của người Việt, ông quan sát, trải nghiệm, so sánh, đánh giá và ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe về mọi mặt của đời sống người Việt nơi ông đi qua. Hơn 130 năm sau, lần theo những mô tả của C. Paris, ta sẽ có cảm giác như đang xem một bộ phim tài liệu thú vị.
1. Quang cảnh, đời sống thường nhật ở một ngôi làng ở vùng phụ cận kinh thành Huế được C. Paris miêu tả rất nên thơ bằng một giọng văn điệu đà. Đô thị Hội An (Quảng Nam) với sự hoạt náo trên các con đường, các bang hội của người Hoa hoạt động… Đối với C. Paris, Quảng Ngãi là xứ bí hiểm, chỉ cách Bình Định một dãy núi Bến Đá thôi “mà như một xứ An Nam khác”, chỉ có ngôn ngữ là chung. Với ông, Quảng Ngãi là một vùng đất mà ông “không thấy buồn chán”, “sẵn sàng nán lại nếu công việc cho phép và thường nhớ về với cảm giác dễ chịu”.
Những hàng dừa ở Bồng Sơn (Bình Định) nằm san sát nhau, đến nỗi tán lá đan thành mái vòm che nắng mang đến cho C. Paris cảm giác thoải mái. Và thật bất ngờ khi biết ngày xưa vùng phụ cận Quy Nhơn “đẹp như tranh vẽ”, nhất là hai thung lũng Công, nơi cho những trái xoài ngon nhất xứ, có cái hồ với cơ man vịt trời và đặc biệt nổi tiếng với tên gọi “thung lũng Cọp”; và thung lũng Gà với “rải rác vài ngôi nhà nép dưới những rặng dừa”.
C. Paris giúp người đọc hình dung được nhiều vùng không gian ở Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX bằng giọng văn mềm mại, chi tiết, vừa có sự chọn lọc nhất định vừa có tính bao quát. Và có một điều đáng chú ý là C. Paris khá khách quan khi ghi chép lịch sử mà ông là chứng nhân.
2. Cuộc tấn công Tòa Khâm sứ Pháp tại kinh thành Huế rạng sáng 5.7.1885 của quân nhà Nguyễn thất bại khiến kinh đô trở nên tàn tạ, “chỉ còn lại vài ngôi nhà nguyên vặn”. Quân Pháp trong thế chiến thắng đã đốt phá, giết người, cướp bóc, nhiều ngọc ngà châu báu tinh xảo của hoàng gia cũng bị mất đi. “Mũ miện, vương miện, nhẫn gắn đá quý đã bị đánh cắp, đập vỡ và đem bán từng mảnh. Tôi đã thấy và mua…” (tr. 20).
Nhà ở tại phố Tân Quan hồi đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu của VÕ NGUYÊN PHONG
Ở Quảng Nam, ngoài Tam Kỳ ra thì toàn tỉnh đất đai gồ ghề kém màu mỡ, nhiều thứ bị cháy rụi do chiến tranh loạn lạc. Người dân là nạn nhân lớn nhất, họ bị kẹp giữa cuộc chiến. Thế nhưng, bất chấp chiến tranh loạn lạc, hành hình, thuế má, mùa màng thất bát… người dân vẫn nhanh chóng tái thiết, mỗi người tự xây dựng lại đời sống với một căn nhà mới. Chợ mọc lên nhiều hơn và sầm uất hơn.
Sức sống của người Việt thật sự rất mãnh liệt. “Vùng đất này [Bình Định] vẫn tràn đầy sinh khí bởi dân bản địa sinh đẻ nhiều và đất đai màu mỡ. Chỉ cần 15 ngày là đủ dựng lại một ngôi làng, một năm là đầy trẻ con và 4 tháng yên ổn sẽ có một mùa thu hoạch.” (tr. 146)
3. Theo chân Camille Paris đi dọc đường cái quan, khi thì trên lưng ngựa, lúc nằm võng cáng, chèo ghe đi đò, trèo đèo vượt suối, vào rừng săn bắn… từ kinh thành Huế đến Phan Rang, độc giả ngày nay biết thêm rất nhiều thông tin, tri thức thú vị trên dải đất Trung kỳ dài hơn 1.000 cây số bấy giờ. C. Paris quan sát, đánh giá, phân tích mọi thứ ở mọi nơi ông đến, từ những nơi quan trọng như kinh thành Huế, các đô thị đến cả những làng mạc, đồn lũy xa xôi, những ngôi chợ nhỏ ven đường, những cửa sông, hải cảng, đầm phá… Để giờ đây những chi tiết ấy giúp chúng ta có thể dễ dàng hình dung quê hương mình ở thời điểm cách đây hơn 130 năm.
Đáng chú ý C. Paris còn đưa ra những nhận xét về tính cách của người Việt qua các sự việc cụ thể. Ông kể lại các cuộc tiếp xúc với hai tay sai người Việt khét tiếng là Trần Bá Lộc và Nguyễn Thân, C. Paris ghi nhận những chiến công của họ nhưng cũng dè chừng vì nhìn thấy sự sắt máu đến tàn ác của họ với chính người Việt, người dân tộc thiểu số, cũng như tham vọng quyền lực quá lớn của họ.
QL1 đoạn đi qua Tam Quan (Hoài Nhơn), ảnh chụp hồi đầu thế kỷ XX. Ảnh: Tư liệu
Những miêu tả cực kỳ chi tiết của C. Paris có thể làm tư liệu giúp chúng ta so sánh, đối chiếu khá nhiều sự việc, thông tin. Đoạn mô tả về tổ đình Thập Tháp (Bình Định), công trình kiến trúc nổi tiếng bậc nhất ở Trung kỳ còn tồn tại đến nay là một ví dụ.
Theo C. Paris, xuất khẩu ở Trung kỳ chỉ giới hạn trong từng tỉnh, hiếm khi thấy sản phẩm của địa phương này xuất hiện ở địa phương khác. Chính vì thế cảnh giao thương tấp nập ở Tân Quang (một phố cổ lâu đời tọa lạc gần cửa Kim Bồng, ngày nay chính là cửa biển Tam Quan thuộc phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn) khiến C. Paris kinh ngạc, ông thấy trong các cửa hiệu của người Hoa có các sản phẩm dầu, đèn, đồng hồ, vải bông, diêm… nhập khẩu từ Anh, Đức.
***
Du ký Trung kỳ theo đường cái quan của Camille Paris như một bức tranh hiện thực nhiều màu sắc, mềm mại và giàu chất văn chương. Đây thật sự là một tài liệu quý, phục vụ cho hoạt động nghiên cứu về văn hóa tập tục, địa danh, làng xã, địa dư hành chính… không thể bỏ qua.
NGUYỄN QUANG DIỆU
(*) Du ký Trung kỳ theo đường cái quan, tác giả: Camille Paris, dịch giả: Nguyễn Thúy Yên, Thư Books và NXB Hồng Đức ấn hành