Ðồng bào Vĩnh Hiệp giữ nghề dệt thổ cẩm
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Bana Kriêm ở các làng Hà Ri, Thạnh Quang, Tà Lét, xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh) từng khá hưng thịnh, nhưng nay đang dần mai một. Để giữ nghề, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Bana Kriêm, năm 2017, địa phương đã tập hợp lại các nghệ nhân còn giữ nghề dệt thổ cẩm để thành lập tổ hội nghề nghiệp dệt thổ cẩm xã Vĩnh Hiệp với 15 người, nhằm từng bước được gìn giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ nối tiếp giữ nghề.
Chị Đinh Thị Hương, ở làng Thạnh Quang, tâm tình: “Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi ở nhà theo mẹ học dệt thổ cẩm. Giờ có gia đình, làm nông mưu sinh nhưng lúc rảnh là dệt thổ cẩm để mặc, bán cho người trong làng. Ở địa phương cũng đang phát triển du lịch, sản phẩm thổ cẩm cũng được du khách phương xa mua về làm quà”.
Cụ Đinh Thị K’đắc cho biết: “Ngày xưa, nghề dệt thổ cẩm sử dụng nguyên bây bông, kéo sợi, dùng vỏ cây rừng để nhuộm nên vải chỉ có 3 màu chính là đỏ, đen và trắng. Để dệt nên một bộ váy có khi hơn cả tháng. Giờ đây, bà con mua len về sơ chế lại rồi phơi khô cho sợi len không xù lông rồi mới dệt”.
Du khách đến từ TP Quy Nhơn ngắm các bộ thổ cẩm của đồng bào Bana Kriêm ở Vĩnh Quang.
Cùng với cồng chiêng, múa xoang, thổ cẩm là hồn cốt văn hóa được lưu giữ trong đời sống tinh thần của đồng bào Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh.
NGỌC NHUẬN (Thực hiện)