Học để biết yêu…
Hè về, nhiều phụ huynh sắp xếp để con em mình được nghỉ ngơi, vui chơi, học thêm một số kỹ năng, môn thể thao, chuyện này cũng bình thường. Dần dần một số vị lại có ý tưởng dùng khung thời gian này để xem thử con mình có tố chất gì đặc biệt không. Và thường thì họ hướng tới một số ngành nghệ thuật (những cuộc săn tìm “tố chất thể thao” xin không bàn ở đây) như: Mỹ thuật, âm nhạc, múa… Đến đây thì chuyện bắt đầu bớt bình thường.
Nói như vậy là bởi không phải ai cũng có tố chất, và những cuộc sàng lọc với mục đích ấy thường cũng làm con trẻ khốn khổ không kém gì chuyện phải đi học thêm, học trước về văn hóa mà tại một số diễn đàn nhiều vị vừa lùa con đi học vừa kêu ca (!)
Để ý vấn đề này nên ngay khi vừa xuất hiện, lớp mỹ thuật hè của cô giáo Lê Thị Thảo ở TX An Nhơn đã thu hút sự chú ý của tôi. Theo cô giáo Thảo, điều quan trọng nhất đối với cô là các em phải thấy vui khi bước vào lớp học này. Và khi hết giờ học, các em sẽ vui nhiều hơn, chờ mong đến giờ học kế tiếp. Các em được làm quen với bảng màu, kỹ thuật pha màu, làm quen với đất sét nặn, xé dán giấy; được diễn đạt suy nghĩ của mình bằng nhiều loại chất liệu… Nói chung các “họa sĩ nhí” được thoải mái trình bày quan điểm cá nhân về cái đẹp.
Cô giáo Thảo kể, tôi thường trò chuyện với các vị phụ huynh để thuyết phục rằng, không phải em nào cũng có tố chất nào đó về nghệ thuật, và điều đó cũng là bình thường. Nhưng một điều khá chắc chắn là nếu học và biết thêm về nghệ thuật nói chung, các em sẽ có thêm cơ hội nhận biết, nắm bắt nhanh về cái đẹp, biết tôn trọng và giữ gìn cái đẹp. Hoặc nếu tiếp xúc với những lớp dạy về âm nhạc, khả năng cảm nhận, thụ hưởng vẻ đẹp âm nhạc của các em sẽ thuận lợi hơn… Những kiến thức, kỹ năng như thế giúp các em phát triển toàn diện nhân cách của mình. Nói một cách văn vẻ, học theo hướng ấy, các em sẽ biết yêu cái đẹp, cái hay… Và điều này cũng hết sức quan trọng!
Nhiều người hay gọi các lớp học như lớp của cô giáo Thảo là “lớp năng khiếu”. Cách gọi này vừa chung chung oái ăm thay lại vừa cụ thể. Người viết có cơ hội tiếp xúc với một số “tội đồ không năng khiếu”. Những người này kể, suốt thời niên thiếu họ phải lếch thếch từ lớp năng khiếu này đến lớp năng khiếu khác nhưng cuối cùng đổi lại chỉ được dán cái nhãn “không có năng khiếu gì” trong sự thất vọng của phụ huynh; may mà không vướng vào một sang chấn tâm lý hoặc tổn thương nào.
Đại đa số trong chúng ta là những người không có năng khiếu nào và xin nhắc lại điều này hết sức bình thường. Chỉ riêng việc nghe nhạc thấy hay, xem tranh thấy đẹp và nếu tuyệt hơn, biết cách giữ gìn cái hay, cái đẹp đã là rất nhiều rồi, thưa quý vị phụ huynh.
BÁ PHÙNG