Khế ơi
Tản văn của TRẦN BĂNG KHUÊ
Tôi thường mộng mơ và nhớ hình bóng của những cây khế trong đời. Tức là cả cây cành, quả khế, lá khế và cả hoa khế… nhớ chằn chặn từng chi tiết một cách lạ lùng, không giải thích được. Dù khói bụi mù sương, hay phủ rêu đóng vệt đã bao nhiêu khúc đoạn thời gian đi chăng nữa, mỗi lần mở cánh cửa đó vẫn nghe lòng bần thần nao nao. Nhớ gì không nhớ, tôi lại nhớ mấy cây khế xưa cũ trong những ngày mưa nơi xứ lạ.
Gốc cây khế đầu tiên mà tôi nhớ hiện diện trong khu vườn nhỏ của nhà ngoại những năm tám mươi chín mươi. Những lần về thăm ngoại, mỗi sớm thức dậy, len lén ra vườn, thể nào tôi cũng thấy từng cụm lá khô đã được ngoại vun thành đống gần đó, chỉ đợi châm một mồi lửa để khói tỏa lên mây. Mùi khói, dường như được thể cũng chen chúc luôn vào cái kho ký ức đầy đặn đó của tôi, mùi khói từ lá khế thơm phức trong lòng đứa trẻ miền núi. Hoặc, có khi cũng chen chúc thơm như mùi khói rơm khói rạ trong lòng trẻ thơ miền ruộng đồng bát ngát dưới xuôi vậy.
Gốc khế thứ hai, tôi nhớ là cây khế lùn, lâu năm, gốc to đùng, xum xuê lá và quả bên nhà bác cả. Ký ức của tôi thời điểm năm, sáu tuổi có lẽ chưa đủ để ghi dấu cho hết, chưa đủ đậm đà thương nhớ nó nhiều hơn. Nhưng, tôi biết, ít ra sau một thời gian dài từ ngày bác trai cả mất đến giờ tôi vẫn bị cây khế lùn lặng lẽ ghi dấu ấn khó quên trong một khoảng trời tuổi thơ mênh mông.
Nhắc tới gốc khế thứ ba, tôi tự hỏi, chẳng biết bao nhiêu lần tôi đã nhìn ngắm thèm thuồng thứ trái quả ngọt lành lủng lẳng trên cành. Dù đó chỉ là hình bóng của cây khế. Ấy vậy, mà tôi lại lắng nghe chăm chú câu chuyện về một cây khế trong vườn nhà của thằng bạn thân thời đại học. Nó vui miệng chẳng khoe gì với tôi ngoài một cây khế, rồi có hôm tưng tửng nổi hứng hái cả rổ khế ngọt chạy từ thành nội bờ Bắc sang ký túc xá tôi ở bờ Nam. Đám sinh viên sư phạm được bữa khế ngọt ngon lành, đứa gặm cả trái một cách khoái khẩu, đứa nhấm nháp nhởn nhơ dặm thêm một chút vị của muối ớt cay cay the the. Dăm ba lần, như thế nữa, nên mỗi lần gặp lại nhau thì nhắc nhớ, vừa muốn nhìn thấy tận mắt cây khế ấy, vừa chênh chao khao khát tuổi trẻ đã qua như bóng câu thời gian.
Tranh của họa sĩ VÕ HOÀNG MINH
Lâu lắm, phiêu bạt khắp bốn phương trời, tôi mới trở về lại với nơi đã ghi dấu ấn tuổi trẻ. Đến nhà nó lần nữa, cũng chỉ biết ngậm ngùi chia bôi nỗi buồn mất mát người anh trai duy nhất với nó. Đưa mắt thử ngắm cây khế ngọt lịm trong vườn, ngắm lá khế xum xuê trên cây, ngắm lá khế xanh - vàng rụng rơi về cội lại nghe lòng buồn hiu hắt.
Tôi bị quyến dụ thêm bởi sắc màu của những chùm bông khế tim tím nhỏ xíu trên cành. Bất giác ngẫm ngợi, để cất giữ thêm một phần rong rêu tuổi trẻ, đời người phải nếm trải đủ phần ngọt chua, chát đắng. Khế thương khế nhớ, khế ngọt ngào hay khế chua lòm chua loét đều chất chứa dần đầy theo ký ức của trẻ thơ đến trường trong câu chuyện dân gian, ăn khế trả vàng, và cả trong lời ca tiếng hát, ngân nga mãi điệp khúc quen thuộc: “Quê hương là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày,…và quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.
Giờ chẳng biết, đi qua gần một nửa cuộc đời, tôi đã thành người hay chưa, nhưng tôi cảm được nhân sinh như mây khói. Đi khắp bốn bể mới thấy lòng mình nặng trĩu hình bóng của những cây khế buồn thương trong ký ức nơi quê nhà.
Khế thương khế nhớ. Hay người thương người nhớ khế mà bỗng xót lòng nghĩ ngợi về những mùa dĩ vãng bàng bạc nỗi niềm xưa cũ. Khế giờ ngọt hay chua? Khế giờ còn lá xanh hay lá vàng? Khế giờ có hoa màu tim tím mộng mơ hay chỉ là những thờ ơ của kẻ không biết thương biết nhớ?
Cha tôi xa quê tóc bạc trắng tự bao giờ, lúc nào cũng thèm về quê, có lần buông tiếng thở đã nói, “Quê hương là một giấc mơ thật dài”.