Dự án Phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường trong cộng đồng:
Nâng cao nhận thức, chuẩn hóa quy trình điều trị
Dự án Phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường trong cộng đồng tại Bình Định giai đoạn 2019 - 2023, do FHF (The Fred Hollows Foundation) cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ đã có nhiều thành công và đạt hiệu quả tốt so với mục tiêu đề ra.
Dự án thực hiện với 3 mục tiêu: Nâng cao nhận thức về đái tháo đường (ĐTĐ) và bệnh võng mạc đái tháo đường (VMĐTĐ) của người có nguy cơ mất thị lực do ĐTĐ; Tổ chức tốt dịch vụ liên quan bệnh VMĐTĐ theo hướng có sẵn người có nguy cơ mất thị lực do ĐTĐ dễ tiếp cận; Thu thập dữ liệu về bệnh ĐTĐ và VMĐTĐ tại Việt Nam.
Khám, tầm soát bệnh VMĐTĐ. Ảnh: HIỀN NGÔ
Đạt hiệu quả cao
“Trong lúc thực hiện Dự án, các nhà nghiên cứu tính toán khi điều trị được bệnh VMĐTĐ, sẽ tiết kiệm được cho hệ thống y tế khoảng 163 triệu đồng trong 10 năm/mỗi người bệnh. Đó là số tiền rất lớn, chứng tỏ Dự án có hiệu quả về kinh tế cao. Thiết nghĩ, Dự án nên được nhân rộng tại các huyện khác của tỉnh và các tỉnh, thành khác trên toàn quốc”.
Ông Huỳnh Tấn Phúc, Trưởng đại diện FHF Việt Nam, Giám đốc Chương trình FHF châu Á
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Dự án tại Bình Định, ông Huỳnh Tấn Phúc, Trưởng đại diện FHF Việt Nam, Giám đốc Chương trình FHF châu Á, chia sẻ: Dự án triển khai tại tỉnh Bình Định đạt hiệu quả khá cao so với các mục tiêu đề ra. Cụ thể, số lượt bệnh nhân đến thăm khám bệnh VMĐTĐ tăng hằng năm. Từ khoảng vài chục người trong năm 2019, đến năm 2022 đã có hơn 2.500 người bệnh được khám và hơn 400 bệnh nhân được điều trị. Số bệnh nhân ĐTĐ đến khám sàng lọc cũng tăng, từ vài người trong năm 2019, đến năm 2022 đã lên tới 7.000 người. Những số liệu này chứng tỏ chuyển biến trong nhận thức của người dân rất tích cực. Hơn nữa, họ đã biết nơi khám, có ý thức về việc nên đi khám sàng lọc bệnh ĐTĐ nói chung và VMĐTĐ nói riêng.
Hoạt động nâng cao nhận thức được Dự án thực hiện rất mạnh mẽ qua các hoạt động truyền thông, tư vấn với nhiều hình thức, giúp nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Cùng với đó, việc cung cấp dịch vụ khám, phát hiện sớm bệnh VMĐTĐ tại các cơ sở y tế trong tỉnh đạt được mục tiêu đề ra. Bác sĩ Nguyễn Thanh Triết, Giám đốc Bệnh viện Mắt Bình Định, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án tại Bình Định, cho biết: Nhờ được Dự án hỗ trợ, công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ trang thiết bị tốt hơn, cơ sở y tế tại các địa phương được thụ hưởng Dự án đã triển khai phát hiện sớm bệnh VMĐTĐ, trong đó đặc biệt có cả khả năng phát hiện sớm bệnh VMĐTĐ với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Là một người hưởng lợi trực tiếp từ Dự án, ông Dương Hồng Sứ, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, chia sẻ: Năm 2004, tôi được chẩn đoán mắc bệnh ĐTĐ và được hướng dẫn điều trị. Đến năm 2019 tôi cảm nhận mắt mờ, không đọc báo được. Tôi đi khám ở một số nơi, có nơi bảo mổ nhưng rơi vào dịp Tết nên tôi hoãn. Sau đó, thời gian dịch Covid-19 bùng phát, bản thân có bệnh nền nên không dám đi khám. Năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, được sự giới thiệu của cơ sở y tế địa phương, tôi đến Bệnh viện Mắt Bình Định khám và phát hiện bệnh VMĐTĐ và được điều trị, giờ sức khỏe tôi đã ổn.
Tiếp tục duy trì
Ông Huỳnh Tấn Phúc chia sẻ thêm: Chúng tôi nhận thấy, tại tỉnh Bình Định hệ thống y tế đã có sự liên kết và nâng cao công tác quản lý, tầm soát bệnh VMĐTĐ. Ngoài ra hướng dẫn chẩn đoán, khám sàng lọc, điều trị bệnh VMĐTĐ của Bộ Y tế đã được ban hành để áp dụng trong toàn quốc. Với 2 tiền đề này, tôi nghĩ hệ thống y tế của Bình Định có đủ điều kiện về nhân lực, vật lực để tham gia quản lý về bệnh VMĐTĐ. Về FHF, chúng tôi luôn dõi theo và tiếp nhận các đề xuất từ ngành Y tế tỉnh Bình Định. Bình Định đã thực hiện rất tốt Dự án, thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ mời ngành Y tế tỉnh Bình Định chia sẻ kinh nghiệm, các bài học trong việc thực hiện Dự án này ở các hội thảo trong và ngoài nước.
Đánh giá về những thuận lợi trong việc phát hiện sớm bệnh VMĐTĐ trong thời gian đến, bác sĩ Nguyễn Thanh Triết cho biết: Bây giờ bệnh viện đã có bộ tài liệu quốc gia hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh VMĐTĐ; đồng thời được sự ủng hộ của UBND tỉnh và Sở Y tế triển khai được phần mềm trí tuệ nhân tạo, bệnh viện cam kết duy trì các mô hình sàng lọc bệnh VMĐTĐ đã thực hiện trong thời gian qua.
Trong thời gian thực hiện, Dự án đã tổ chức 50 buổi truyền thông nhóm với 1.560 bệnh nhân và người nhà tham gia; tổ chức 18 buổi lồng ghép chủ đề khoa học với chủ đề bệnh ĐTĐ - VMĐTĐ cho các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng nội và mắt với tổng số 890 nhân viên y tế tham dự; có 11.438 lượt người dân được khám sàng lọc tại cộng đồng; đồng thời, hỗ trợ điều trị bệnh VMĐTĐ cho bệnh nhân nghèo, chụp hình đáy mắt cho 2.560 bệnh nhân; hỗ trợ tiêm Avastin cho 765 bệnh nhân...
ĐỖ THẢO