Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: Chuẩn bị phương án dự phòng các tình huống bất ngờ
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, cả nước có hơn 1.024.000 thí sinh đăng ký dự thi, tại các địa phương tổ chức gần 2.300 điểm thi, với hơn 44.000 phòng thi. Đến nay, các công việc chuẩn bị cho kỳ thi này đã được hoàn tất, trong đó chú trọng xây dựng các phương án dự phòng tổ chức thi khi xảy ra các tình huống bất ngờ về thời tiết, thiên tai.
Ngay từ đầu tháng 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức các đoàn tới làm việc về công tác chuẩn bị thi tại một số địa phương trong cả nước. Qua kiểm tra thực tế đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho Kỳ thi diễn ra theo đúng kế hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiểm tra Điểm thi Trường THCS Trần Duy Hưng (TP Hà Nội)
Ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hải Phòng và ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cho biết: "Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất, trong đó có những địa điểm trọng yếu đó là khu vực chấm thi, khu vực đặt địa điểm in sao đề thi cũng như là 43 điểm thi mà chúng tôi đã chuẩn bị. Trong đó chúng tôi đặc biệt chú trọng đến công tác an ninh, an toàn, bảo mật và phòng cháy chữa cháy, để bảo đảm các điều kiện này là hoạt động thông suốt".
"Sở GD&ĐT kiểm tra tất cả các điều kiện đảm bảo an toàn cho các điểm thi, thứ nhất là điều kiện về phòng thi, thứ 2 là phòng dự phòng và thứ 3 là an ninh trật tự cho tất cả kỳ thi chúng tôi đã đảm bảo rất là tốt trong đó đặc biệt là phối hợp với công an tỉnh đi kiểm tra tất cả các điểm thi"- ông Kiệm nói.
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, năm nay địa phương có hơn 9.600 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 37 điểm thi. Hiện các điểm thi đã chuẩn bị đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT bao gồm cả địa điểm ăn, ở cho cán bộ tham gia coi thi:
"Thực tế 37 điểm thi không phải nhiều nhưng đối với Hòa Bình là một địa bàn miền núi và trong điều kiện là tháng 6 này đang mưa lũ và điều kiện chia cắt, nên việc đưa học sinh đến trường là một trong những việc hết sức khó khăn và đến điểm thi là một trong những điểm khó khăn. Chúng tôi đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, các địa phương phải đảm bảo đưa được học sinh đến trường. Các đồng chí lãnh đạo phải cam kết việc này và phải có phương án phối hợp với công an, quân sự, nếu trong trường hợp thời tiết cực đoan thì có thể chúng tôi sẽ phải triển khai đưa các em đến các điểm thi trước 1 đến 2 ngày"- ông Chương nói.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra tại Điểm thi Trường THPT Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai
Là một trong những địa phương có số thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đông nhất, với hơn 102.000 em, năm nay TP Hà Nội tổ chức 189 điểm thi tại 30 quận, huyện, thị xã. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội cho biết, sẽ huy động gần 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi, 600 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi và hơn 500 thanh tra cắm chốt tại các điểm thi. Rút kinh nghiệm từ việc một số đề thi môn Toán trong kỳ thi vào lớp 10 các trường công lập bị mờ, Ban Chỉ đạo kỳ thi của thành phố Hà Nội sẽ rà soát các khâu của quá trình in, sao đề thi một cách kỹ lưỡng: "Chúng tôi cũng có máy photo coppy dự phòng, đề phòng nếu như các máy chính có vấn đề gì trục trặc thì chúng tôi có bộ phận dự phòng thay thế ngay. Thứ 2 là chúng tôi cũng đã quán triệt với Hội đồng in sao đề là phải kiểm tra một cách kỹ càng, đặc biệt là kiểm tra xác suất những đề bài photo coppy, nếu có vấn đề gì thì cần phải kịp thời điều chỉnh ngay, đảm bảo để không cho các thí sinh bị hiểu nhầm".
Trực tiếp kiểm tra cơ sở vật chất chuẩn bị cho kỳ thi tại một số địa phương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, sự chuẩn bị cho đến thời điểm này của các địa phương là bài bản, cẩn thận, chuyên nghiệp, đúng kế hoạch và đúng yêu cầu, đồng thời lưu ý với các địa phương cần phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án dự phòng nếu có tình huống bất trắc xảy ra.
"Cần phải có các phương án dự phòng trong mọi trường hợp, nhất là trong các điều kiện thiên tai bão lụt, diễn biến bất thường của thời tiết thì cái đó rất khó lường cho nên cần phải có những phương án dự phòng để có thể ứng phó trong mọi tình huống. Ðiểm nữa là công tác hỗ trợ cho ngýời thi, bao gồm cả những ðặc biệt là khu vực miền núi khu vực ðịa bàn xa thì cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ thí sinh tập trung về các khu để có thể dự thi một cách tốt nhất"- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 27 đến hết ngày 30.6. Từ nay đến khi diễn ra kỳ thi, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức tập huấn cho các cán bộ, giáo viên tham gia ở mọi khâu của kỳ thi để đảm bảo kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.
Theo Minh Hường (VOV1)