Giải mã chiến công chống phong tỏa sông, biển miền Bắc của Hải quân nhân dân Việt Nam
Nhằm phát huy giá trị nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc, sáng 26.6, Quân chủng Hải quân tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Chiến công chống Đế quốc Mỹ phong tỏa sông biển miền Bắc (1967-1973) - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Tham dự Hội thảo có đại biểu từ Viện Lịch sử quân sự, UBND TP Hải Phòng, các đơn vị tham gia và các nhân chứng lịch sử trực tiếp chiến đấu năm xưa.
Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi, bom từ trường của quân và dân miền Bắc, trong đó Quân chủng Hải quân làm nòng cốt đã trở thành kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nửa thế kỷ trôi qua, song những bài học nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo rút ra từ chiến công ấy vẫn còn nguyên giá trị, cần được kế thừa và phát huy trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc hiện nay.
Quang cảnh Hội thảo khoa học
Hội thảo chỉ rõ âm mưu, thủ đoạn của Đế quốc Mỹ khi sử dụng thủy lôi, bom từ trường phong tỏa sông, biển miền Bắc nhằm bóp nghẹt tiềm lực của miền Bắc, hạn chế và ngăn chặn khả năng chi viện cho chiến trường miền Nam; Đường lối, chủ trương và biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành chiến tranh nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm đánh thắng chiến dịch phong tỏa sông, biển miền Bắc của Đế quốc Mỹ, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam;
Trong chiến công đó, Bộ đội Hải quân đã phát huy ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần tự lực, tự cường, trí thông minh, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh và sự hạn chế về trang bị kỹ thuật, chiến đấu kiên cường dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Các nhân chứng lịch sử chia sẻ cùng các cán bộ chiến sĩ trẻ.
Trung tá Đặng Đức Năng, nguyên Đội trưởng Đội 8 Công binh Hải quân chỉ đạo trực tiếp các bộ phận tham gia rà phá thủy lôi năm xưa cho biết: Đội 8 Công binh là lực lượng xung kích, trực tiếp lặn mò, tháo gỡ thành công những quả thủy lôi đầu tiên, khám phá tính năng kỹ, chiến thuật của chúng làm cơ sở để các cán bộ kỹ thuật của ta nghiên cứu ra nhiều cách rà phá, tháo gỡ hết sức độc đáo và sáng tạo, kết hợp giữa thô sơ và hiện đại để vô hiệu hóa các loại thủy lôi, bom từ trường tối tân của địch.
Trung tá Đặng Đức Năng cho biết: "Đối với cán bộ chiến sĩ phá thủy lôi, chúng tôi luôn xác định chân mình đạp thủy lôi, đầu đội bom bi. Vì khi thực hiện nhiệm vụ không chỉ thủy lôi dưới nước mà trên đầu máy bay bắn phá liên tục nên sức chịu đựng phải kiên cường, quyết tâm dù hi sinh nhưng bằng mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ đề ra”.
Với quyết tâm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, sẵn sàng chấp nhận hy sinh tính mạng, Quân chủng Hải quân đã cùng quân dân miền Bắc mở tuyến thông luồng, kịp thời nối lại tuyến chi viện bằng đường biển cho cách mạng miền Nam.
Những cựu chiến binh tham gia trực tiếp rà phá thủy lôi và bom từ trường năm xưa.
Trải qua hơn 400 ngày đêm chiến đấu gian khổ và quyết liệt, Quân chủng Hải quân đã huy động trên 1.000 lần chiếc tàu hoạt động rà phá, cùng quân dân miền Bắc phá hủy 13.346 quả thủy lôi, bom từ trường. Trong tham luận, Đại tá, PGS. TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự phân tích: Ta đã dự báo sớm, đánh giá đúng âm mưu của địch nên không bị động bất ngờ, có phương án đối phó hiệu quả, xây dựng bản lĩnh chính trị và ý chí quyết tâm chiến đấu cao, không sợ vũ khí hiện đại của địch, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng làm thất bại hoàn toàn chiến tranh phong tỏa của đế quốc Mỹ.
PGS.TS Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh: "Đây là một trong những âm mưu thủ đoạn mới mà đế quốc Mỹ áp dụng những tinh vi nhất của nền khoa học quân sự Mỹ trong thời kỳ này nhưng bằng trí tuệ, bản lĩnh của cán bộ chiến sĩ trong đó Hải quân là lực lượng nòng cốt. Và đây thể hiện rõ bản lĩnh trí tuệ hội tụ của nền chiến tranh nhân dân, sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân trên vùng sông nước của chúng ta, và khẳng định vừa kế thừa truyền thống của ông cha cũng phát huy trí tuệ nền nghệ thuật quân sự thời đại Hồ Chí Minh để đối phó, tuy nhiên chúng ta cũng thấy được sự hi sinh mất mát vô cùng to lớn”.
Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân nhấn mạnh: Qua Hội thảo, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm, vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trung tướng Nguyễn Văn Bổng kết luận Hội thảo
Trung tướng Nguyễn Văn Bổng nói: "Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông biển miền Bắc đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trước diễn biến phức tạp khó lường của tình hình biển Đông, Quân chủng hải quân tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới của Đảng. Chủ động nắm chắc dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với quân ủy trung ương bộ quốc phòng, phối hợp với các lực lượng ven biển, phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân chiến trường sông biển, đồng thời không ngừng tranh thủ sự hợp tác giúp đỡ của bạn bè quốc tế làm nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình trên biển”.
Cuộc Hội thảo Khoa học lần này là một hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc, là dịp để tri ân, tưởng nhớ tới đồng bào, đồng chí đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến đấu chống phong tỏa. Đồng thời là dịp để quân và dân miền Bắc nói chung, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân nói riêng, ôn lại truyền thống đấu tranh, hào hùng, anh dũng của các thế hệ cha anh, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và khát vọng hòa bình; củng cố, tăng cường niềm tin tất thắng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong thời kỳ mới.
Theo Hà Phương (VOV1)