Đến năm 2025: 70% cơ quan báo chí Việt Nam đưa nội dung lên các nền tảng số
Hội nghị tập huấn báo chí năm 2023 do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng nay (27.6) tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) - một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới công tác báo chí, chuyển đổi số báo chí - truyền thông.
Tham dự hội nghị có PGS, TS Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cùng toàn thể lãnh đạo các cơ quan báo chí, đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí và hội viên Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Hội nghị là dịp để đội ngũ những người làm báo giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi về nghề báo.
Đây là sự kiện quan trọng đối với công tác báo chí của Học viện. Hội nghị tập trung phổ biến quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo, quản lý, làm công tác báo chí về thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng về công tác báo chí, xuất bản; việc thực hiện số hóa trong công tác báo chí; tăng cường thực hiện các quy định về đạo đức của người làm báo và xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.
Phát biểu tại hội nghị, nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: "Đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cho mỗi người làm báo. Nhưng để phân định rõ đúng sai trong thực tế hoạt động nghề nghiệp thực không phải dễ dàng. Việc xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp có khi còn khó hơn xử lý vi phạm pháp luật vì nó tương đối trừu tượng.
Vì thế, ở góc độ này, tôi cho rằng trước hết lãnh đạo và các cấp quản lý phải có giải pháp quản lý phóng viên sao cho hài hòa. Vừa tạo điều kiện để nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa chia sẻ có khăn, tháo gỡ những vấn đề nhạy cảm mà nhà báo có thể gặp phải trong quá trình tác nghiệp".
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn: "Mỗi nhà báo, mỗi cán bộ báo chí cần có ý chí, bản lĩnh vững vàng, kiên định, cần nhìn nhận mọi vấn đề dưới lăng kính khách quan, trung thực với tấm lòng của người cầm bút có văn hóa".
Tại hội nghị, nội dung về thực hiện chuyển đổi số trong công tác báo chí cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm trong Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025. Theo đó, mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025 có 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số;
50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 80% cơ quan báo chí vận hành mô hình tòa soạn hội tụ; 100% các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí cập nhật các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số...
TS Đinh Thị Xuân Hòa - Phó Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, chuyển đổi số trong giảng dạy ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền là vấn đề tất yếu và cấp thiết trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số báo chí nói riêng.
"Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã xây dựng mới một số môn học như môn Truyền thông và Mạng xã hội; Báo chí Di động, Báo chí Dữ liệu, Quản lý Tòa soạn hội tụ, và đặc biệt là mới đây có thêm môn Phát thanh truyền hình trong bối cảnh truyền thông số.
Chúng tôi xác định nhằm mục đích đào tạo, cung cấp cho xã hội, cho cơ quan báo chí, truyền thông những nhà báo thế hệ số. Đó là những nhà báo đa phương tiện, nhà báo di động có thể tác nghiệp ở các tòa soạn hội tụ trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay", TS Đinh Thị Xuân Hòa nói.
Theo Lan Anh - Huyền Chi (VOV)