Tích cực, chủ động tháo gỡ vướng mắc, không để phát sinh “điểm nghẽn”
(BĐ) - Ngày 27.6, UBND tỉnh ban hành Thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) tỉnh, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và định hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, hầu hết cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, tích cực phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành 22/38 nhiệm vụ của Đề án 06; đang tiếp tục giải quyết 16 nhiệm vụ còn lại mang tính thường xuyên, lâu dài, không có thời hạn.
Tuy nhiên, việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, phát sinh thành “điểm nghẽn”. Điển hình như địa phương không có quyền khai thác thông tin, truy xuất dữ liệu dân cư của tỉnh trong “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” để phục vụ cho công tác quản lý, ban hành cơ chế, chính sách; hầu hết người dân chưa có chữ ký số cá nhân để ký tờ đơn, tờ khai điện tử khi nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến...
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06 thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo yêu cầu cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương trên địa bàn tỉnh phải quán triệt nhận thức Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của công tác chuyển đổi số quốc gia, có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của việc xây dựng chính quyền điện tử, hình thành chính quyền số phục vụ người dân, DN, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển KT-XH của địa phương.
Trên tinh thần đó, phải phát huy trí tuệ, tập trung nguồn lực để xử lý, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, nhất là các “điểm nghẽn” trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án 06. Cụ thể, tiếp tục phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 27.4.2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06; phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Đề án 06.
Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành 100% các nhiệm vụ theo Kế hoạch thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh năm 2023 và các nhiệm vụ phát sinh do Trung ương giao theo tinh thần: Tích cực, chủ động phối hợp giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, tháo gỡ kịp thời, triệt để mọi khó khăn, vướng mắc, không để phát sinh thành “điểm nghẽn” thuộc phạm vi trách nhiệm, chức năng quản lý của từng cơ quan, đơn vị, địa phương khi thực hiện Đề án 06.
Các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tập trung rà soát, đề xuất việc chuyển đổi quy trình giải quyết, thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công từ phương thức truyền thống sang môi trường điện tử đảm bảo thực chất, hiệu quả; đề xuất chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, xây dựng các biểu mẫu điện tử, đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng kho dữ liệu chuyên ngành để đảm bảo không yêu cầu người dân, DN phải cung cấp lại những thông tin đã có…
M.LÂM