Bộ Chính trị: Kịp thời cung cấp thông tin cần thiết với các sự việc nhạy cảm, phức tạp
Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng cơ chế phát ngôn phù hợp, hiệu quả, kịp thời cung cấp thông tin cần thiết, nhất là thông tin với các sự việc nhạy cảm, phức tạp.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký kết luận 57 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước
Kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về đất nước Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế. Khơi dậy tinh thần yêu nước, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...
Bà Trương Thị Mai - Ảnh: GIA HÂN
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, kết luận nêu rõ 5 nhiệm vụ và giải pháp.
Trong đó tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về công tác thông tin đối ngoại.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ làm công tác thông tin đối ngoại.
Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với quan hệ giữa Việt Nam và các nước, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế.
Chú trọng tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong bảo vệ, nâng cao hình ảnh quốc gia, dân tộc cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ.
Phát huy vai trò của các tổ chức hữu nghị nhân dân, hội đoàn ở nước ngoài, người có uy tín và có ảnh hưởng tích cực trong xã hội...
Kiên quyết khắc phục tình trạng đưa thông tin thiếu chính xác, sai sự thật
Cùng với đó, Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Nâng cao trách nhiệm của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan báo chí trong thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại.
Phát huy cơ chế phối hợp, vai trò chỉ đạo định hướng của Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại trung ương.
Xây dựng cơ chế phát ngôn phù hợp, hiệu quả, kịp thời cung cấp thông tin cần thiết, nhất là thông tin đối với các sự việc nhạy cảm, phức tạp.
Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, ý thức chấp hành pháp luật; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan.
Khắc phục có hiệu quả hạn chế, bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, phân công trách nhiệm, phối hợp, trao đổi thông tin, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong công tác thông tin đối ngoại.
Chú trọng hoạt động nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình; thường xuyên cập nhật thông tin, dữ liệu về nhu cầu, xu hướng của công chúng trong và ngoài nước, nhận thức và thái độ của cộng đồng quốc tế để nâng cao hiệu quả thông tin đối ngoại.
Kết luận cũng yêu cầu đẩy mạnh đấu tranh phản bác thông tin sai trái, tiêu cực phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, quá trình phát triển đất nước và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Bảo đảm thông tin tích cực là dòng thông tin chủ đạo; kiên quyết khắc phục tình trạng đưa thông tin thiếu chính xác, sai sự thật, chưa được kiểm chứng, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam.
Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, làm rõ những nội dung phản ánh chưa chính xác, chưa đầy đủ, sai sự thật. Đấu tranh phản bác kịp thời, có hiệu quả những thông tin, luật điệu sai trái, xuyên tạc, kích động, trái với đường lối, quan điểm của Đảng...
(Theo TTO)