Cảnh giác với quà vặt mất an toàn thực phẩm nơi cổng trường
Các hàng ăn vặt trước cổng trường là điểm đến ưa thích của nhiều học sinh. Mùa hè, dù học sinh không đến trường nhưng các hàng quán này vẫn thu hút các em theo thói quen. Những món ăn này đôi lúc lại tiềm ẩn nguy cơ khó lường cho sức khỏe.
Trưa 12.6, em M.C.C (học sinh lớp 6, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) có biểu hiện đau bụng dữ dội kèm theo nôn mửa. Sáng cùng ngày, sau khi học thêm về, em mua đồ ăn vặt với bạn ở khu vực cổng trường. Sau 2 ngày điều trị tại TTYT TP Quy Nhơn, em C. đã được xuất viện. Đáng nói, bạn học của C. là em D.T.A. (ở phường Trần Phú) cũng trong tình trạng tiêu chảy, nôn mửa liên tục sau khi ăn món chân gà tẩm ướp đóng gói cùng C. May mắn là A. bị nhẹ hơn, chỉ cần nhân viên y tế điều trị tại nhà.
Những thực phẩm bắt mắt, giá rẻ dễ dàng thu hút các em nhỏ. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Tại khu vực cổng các trường tiểu học, THCS ở TP Quy Nhơn có nhiều gian hàng cố định lẫn lưu động bán đồ ăn vặt dành cho học sinh. Các quán bày bán nhiều thực phẩm như cá viên chiên, xiên que, bánh tráng trộn, chân gà tẩm ướp đóng gói..., giá khá rẻ nên thu hút nhiều học sinh. Chưa nói đến vấn đề nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, chỉ việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm tại quầy bán quà vặt cũng là điểm đáng bàn.
Tại quầy bán bánh tráng trộn gần một trường tiểu học ở phường Ngô Mây, thực phẩm không được người bán che đậy kỹ càng, thời tiết nắng nóng như hiện nay càng làm cho dễ ôi thiu, hư hỏng. Tại một quầy ăn vặt khác trước trường tiểu học ở phường Đống Đa, những rổ hàng nhỏ xinh được bày bán bắt mắt với nhiều loại kẹo bánh đủ màu sắc, chỉ cần 1.000 đồng đã có thể mua một món.
Theo quan sát, nhãn mác trên các gói thực phẩm là chữ nước ngoài, không thể nắm rõ các nội dung như ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần. Một gói khô mực “đầy ụ” chỉ có giá 5.000 đồng, khiến người ta không khỏi hoài nghi nguyên liệu có thực sự hoàn toàn là mực hay không. Khi hỏi về nguồn gốc xuất xứ của những món ăn, người bán không biết rõ. Họ cho biết, hằng tuần sẽ có đầu mối phân phối tới tận nơi. Theo chia sẻ của các chủ cửa hàng ăn vặt, học sinh rất thích ăn các loại đồ đóng gói sẵn vì vừa rẻ, vừa tiện lợi mang theo khi vào lớp và đi học thêm.
Theo chị P.T.H. (phụ huynh học sinh ở phường Đống Đa) cho biết: “Tôi phát hiện trong cặp con mình có những túi ô mai màu sắc sặc sỡ, mùi thì rất hắc, trên bao bì không ghi rõ nơi sản xuất và hạn sử dụng. Tôi không cho cháu ăn, nhưng rất sợ cháu đi học sẽ sử dụng theo bạn bè”.
Cũng theo chị H., về việc học sinh ăn vặt trước cổng trường, ban giám hiệu nhà trường và cô giáo chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở. Nhà trường không cho phép buôn bán hàng hóa trước cổng trường nhằm giảm thiểu việc mua đồ ăn vặt của các em vào giờ ra chơi. Bảo vệ cũng sẽ nhắc nhở nếu có trường hợp cố tình vi phạm. Tuy nhiên, rất khó theo dõi, quán xuyến hết được, vì giờ tan trường hoặc đi học thêm, không có ai quản lý, các em sẽ tiếp tục mua đồ ăn vặt.
Một phụ huynh khác, chị N.T.P.N. (ở phường Lê Lợi) nói rằng, thay vì cấm thì chị nhắc con chọn thực phẩm sạch mà ăn. “Tôi cho phép con ăn vặt tại các hàng quán chế biến tại chỗ như chè, nước mía, nước dừa... Những thực phẩm ghi toàn chữ nước ngoài thì không được động tới”, chị N. nói.
Vì lợi nhuận, hiện nhiều cơ sở kinh doanh bất chấp pháp luật, sản xuất và buôn bán các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khỏe, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có thể gây ngộ độc cấp hoặc về lâu dài sẽ gây ra những hậu quả khó lường cho sức khỏe. Chưa kể trong thời gian này rộ lên thông tin nhiều đối tượng xấu còn lợi dụng tẩm các chất ma túy vào thực phẩm để lôi kéo, dụ dỗ học sinh sa ngã, đi theo con đường nghiện ngập.
Vì vậy, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục của gia đình và nhà trường, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng liên quan trong quản lý và kiểm tra nguồn gốc, chất lượng hàng hóa là thực phẩm bán trước các cổng trường.
XUÂN QUỲNH