Ba kịch bản ứng phó virus Ebola của Việt Nam
Tổ chức Y tế Thế giới họp khẩn trong 2 ngày, cân nhắc việc công bố tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu. Trước tình hình này, Bộ Y tế Việt Nam cũng ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh do virus Ebola.
Ngày 7.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký quyết định ban hành Kế hoạch hành động Phòng chống dịch bệnh do virus Ebola tại Việt Nam.
Tình huống một, khi chưa ghi nhận ca bệnh, mục tiêu là phát hiện sớm ca bệnh để xử lý triệt để, tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng. Tình huống hai, khi xuất hiện các ca bệnh xâm nhập thì cần khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, điều trị tích cực hạn chế nhất tử vong và lây lan ra cộng đồng. Tình huống ba là khi dịch lây lan trong cộng đồng.
Từ ngày 15.8, Bộ Y tế sẽ tiến hành làm tờ khai y tế với hành khách nhập cảnh từ vùng dịch chưa qua 21 ngày tại tất cả cửa khẩu quốc tế; bằng đường hàng không, đường bộ.
TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, việc kiểm soát khách nhập cảnh về từ những nước này thực sự rất khó, vì có thể họ bay bằng nhiều hãng hàng không khác nhau. Nếu triển khai tờ khai y tế với tất cả các chuyến bay thì sẽ rất tốn kém, mất thời gian; tương tự với đường bộ.
Vì thế, nhân viên cửa khẩu được giao nhiệm vụ nếu thấy khách đến từ vùng dịch trong vòng 21 ngày thì yêu cầu khai báo y tế, trong đó ghi rõ nơi ở và số điện thoại tại Việt Nam. Những trường hợp có biểu hiện sốt được tạm thời cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. “Việc kiểm soát này thực hiện rất nghiêm ngặt. Lý do vì tỷ lệ mắc và tử vong do virus Ebola đang cao từng ngày. Đáng lo là có 100 nhân viên y tế bị lây nhiễm virus”, TS. Phu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Ngoại giao hạn chế cử cán bộ đến các quốc gia có dịch. Trường hợp phải đi cần tổ chức tuyên truyền về biện pháp phòng chống.
Con số tử vong vì bệnh do virus Ebola đã nâng lên 980 với hơn 1.700 ca mắc tại những nước châu Phi. Liebria vừa công bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 90 ngày trên toàn quốc để ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này.
Trong khi đó, Bộ Y tế Saudi Arabia mới đây thông báo một người đàn ông 40 tuổi nghi nhiễm Ebola đã tử vong sau khi trở về từ Sierra Leone. Nếu trường hợp này được khẳng định thì đây sẽ là ca bệnh Ebola đầu tiên tử vong ngoài lục địa châu Phi. Ai Cập cũng lo ngại khi có 8 người vừa trở về từ vùng dịch, bị nghi nhiễm virus này đang được theo dõi sát sao.
Dù vậy, TS. Phu cũng khuyến cáo người dân nên bình bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng quá mức. Để phòng bệnh cần chú ý thực hiện vệ sinh cá nhân, môi trường: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn; vệ sinh nhà cửa… Nếu có tiếp xúc với khách mới về từ nước có dịch thì nên cảnh giác. Khi có dấu hiệu ho, sốt, mệt mỏi nên đến cơ sở y tế kịp thời.
Nguồn truyền bệnh có thể từ động vật. Ổ chứa mầm bệnh chính là dơi ăn quả, tinh tinh, khỉ đột, chuột, linh dương… Virus cũng có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc, tiếp xúc trực viếp với da, niêm mạc bị tổn thương, dịch tiết cơ thể của người hoặc động vật nhiễm bệnh.
Vụ dịch Ebola đầu tiên được ghi nhận tại Sudan năm 1976 với hơn 600 trường hợp mắc. Từ đó đến nay dịch đã xảy ra tại 11 quốc gia. Đặc biệt, từ tháng 12.2013 dịch bắt đầu có xu hướng gia tăng rất nhanh, bắt nguồn từ Sierra Leone và Guinea, sau đó lan đến Liberia và gần đây nhất là Nigeria. Tại Nigeria số ca mắc nâng từ 4 lên 9 và một người đã tử vong.Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá đây là đợt bùng phát dịch chưa từng có.
Theo VnExpress
Để đề phòng dịch này tại BÌnh Định, đề nghị tất cả các cơ quan ban ngành y tế địa phương và cơ sở nên phối hợp với phường xã kiểm tra chặt chẽ các lò mổ gia súc gia cầm hiện vẫn nằm trong các khu dân cư (những điểm này, chắc chắn là phường xã vẫn biết rõ) để tránh nguy cơ dịch bệnh này bùng phát. Vui lòng chú ý giúp, xin cảm ơn!