EU thảo luận về “các cam kết an ninh tương lai” cho Ukraine
Các nhà lãnh đạo EU ngày 29.6 dự kiến sẽ thảo luận về những cam kết an ninh trong tương lai mà khối có thể cung cấp cho Ukraine, theo kết luận dự thảo mới nhất của hội nghị thượng đỉnh EU sẽ được tổ chức trong tuần này.
Mạng tin châu Âu EURACTIV trích dự thảo trên nêu rõ: “Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên sẵn sàng cùng với các đối tác đóng góp vào các cam kết an ninh trong tương lai cho Ukraine, điều này sẽ giúp Kiev tự bảo vệ mình trong dài hạn và chống lại các nỗ lực gây bất ổn”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (trái) và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel tới dự cuộc họp đặc biệt của Hội đồng châu Âu tại Brussels ngày 9.2.2023. Ảnh: EPA
Dự thảo do Pháp đề xuất, theo một số nhà ngoại giao EU, có liên quan đến bài phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một hội nghị GLOBSEC ở Bratislava (Slovakia) vào tháng trước.
Tại Bratislava, ông Macron đã kêu gọi các đối tác của Ukraine hợp tác trong bối cảnh song phương và đa phương để xây dựng “các đảm bảo an ninh” cho Kiev. Trong những tuần qua, Pháp cùng với các đối tác trong “Bộ tứ” (Anh, Mỹ, Đức) đã làm việc để xây dựng các đảm bảo hoặc cam kết an ninh như vậy cho Kiev.
Được cho là có những điểm tương đồng với các cam kết của Mỹ đối với Israel, những đảm bảo này có thể ở dạng hỗ trợ lâu dài, bao gồm cả viện trợ quân sự, để giúp trang bị và huấn luyện tốt hơn cho các lực lượng vũ trang của Ukraine để họ có thể ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai hoặc tự bảo vệ mình.
Các nhà lãnh đạo EU được cho là sẽ “làm rõ” hoặc “giải thích” những “cam kết an ninh” đó là gì khi một số quốc gia thành viên đã yêu cầu cụ thể, ba nhà ngoại giao EU cho biết.
“Nó giống như mở chiếc hộp Pandora”, một nhà ngoại giao EU nói, đề cập đến thực tế là khối này không có khung chính sách quốc phòng rõ ràng cũng như cách tiếp cận nhất quán đối với chính sách quốc phòng.
Một nhà ngoại giao EU khác nói rằng “điều chúng tôi hiểu là ông Macron muốn nêu bật vai trò của EU”, trong khi nhà ngoại giao còn lại giải thích rằng “một số quốc gia thành viên muốn đảm bảo rằng điều này không mâu thuẫn với cuộc tranh luận xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt liên quan đến việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào cuối tháng này”.
EU cũng đã và đang giúp đỡ Ukraine thông qua một quỹ được sử dụng để hoàn trả cho việc các quốc gia thành viên cung cấp viện trợ sát thương và phi sát thương cho Kiev.
EU đã và đang nỗ lực đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho Ukraine bằng cách thúc đẩy các quốc gia thành viên cùng nhau mua sắm trang thiết bị, đặc biệt là đạn dược và tên lửa, cũng thúc đẩy ngành công nghiệp của họ tăng cường sản xuất đạn dược.
(Theo Công Thuận/Báo Tin tức)