Doanh nghiệp cần hỗ trợ thêm từ ngân hàng
Phần lớn các ý kiến của doanh nghiệp tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp do UBND tỉnh tổ chức ngày 26.6 đều đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp thời gian qua. Tuy nhiên, theo cộng đồng doanh nghiệp, để khôi phục, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vẫn cần thêm sự chia sẻ, hỗ trợ từ phía ngân hàng.
Ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - chi nhánh Bình Định cho biết, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tăng hạn mức tín dụng, tích cực cung ứng vốn cho thị trường, thực hiện 4 đợt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm bình quân từ 0,5 - 1%/năm so với đầu năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân vay vốn với lãi suất hợp lý để đầu tư sản xuất kinh doanh (SXKD). Nhiều ngân hàng đã hỗ trợ lãi suất 2% cho vay theo tinh thần Nghị định số 31/2022 của Chính phủ, cụ thể có 15 khách hàng là DN với dư nợ còn lại được hỗ trợ lãi suất đến ngày 31.5.2023 là 63,4 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng còn điều chỉnh giảm lãi suất ghi trên hợp đồng tín dụng đối với 6.203 khách hàng với dư nợ được điều chỉnh giảm lãi suất là 17.513 tỷ đồng, mức điều chỉnh lãi suất từ 0,1 - 1%/năm; 4 DN được cơ cấu thời hạn trả nợ với dư nợ được cơ cấu lại là 321,5 tỷ đồng…
Nhân viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quy Nhơn tư vấn khách hàng vay vốn. Ảnh: TIẾN SỸ
Tuy vậy, theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), dù lãi suất cho vay có giảm hơn trước, nhưng vẫn còn ở mức cao; việc tiếp cận và vay vốn từ các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi của Chính phủ vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Từ quý IV/2022 đến nay, nhiều DN thành viên của FPA Bình Định không có đơn hàng, hoạt động SXKD gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh này, DN ngành gỗ - vốn đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh - cần sự chia sẻ nhiều hơn từ phía ngân hàng. Trước mắt, đề nghị gia hạn thêm thời hạn trả nợ và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng, giảm lãi suất cho vay thấp hơn, đơn giản hóa thủ tục, giải quyết nhanh vốn vay cho DN.
Tương tự, bà Cao Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định, cho biết: Mức giảm lãi suất cho vay đối với cả đồng Việt Nam và USD đều không đáng kể. Hiện, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, hàng tồn kho còn nhiều, phần lớn doanh thu của DN thành viên của Hiệp hội đều bị giảm. Trong lúc khó khăn, DN càng cần nhiều hơn sự chia sẻ, đồng hành từ ngân hàng thông qua việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và giảm các khoản phí giao dịch tín dụng.
Bà Đồng Thị Ánh, Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân tỉnh cũng cho rằng, DN là đối tác quan trọng của ngân hàng, việc chia sẻ, đồng hành với DN cũng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho ngân hàng. Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn bủa vây DN và khi DN cần vay vốn với lãi suất hợp lý thì phía ngân hàng nên xem xét giải quyết sớm, nhất là đối với các gói tín dụng hỗ trợ của Chính phủ đối với DN.
Trước những khó khăn và kiến nghị, đề xuất của cộng đồng DN, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị NHNN Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định thống kê tất cả vấn đề liên quan đến những khoản nợ của DN; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với DN, báo cáo để UBND tỉnh nắm bắt lại vấn đề các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang quan hệ như thế nào với DN. Đây là cơ sở để UBND tỉnh làm việc với NHNN Việt Nam và báo cáo Chính phủ xem xét.
“Quan điểm của tỉnh là không đón chào những ngân hàng không ủng hộ DN. Mối quan hệ giữa ngân hàng - DN như cá với nước, nhưng hiện nay DN đang bị bất lợi hơn. Nếu tình trạng này duy trì mãi thì không ổn. Ở các nước phát triển, DN nào làm ăn tử tế, tin cậy thì lúc khó khăn, ngân hàng hỗ trợ ngay. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng cần ứng xử tốt đối với DN như vậy. Giám đốc NHNN Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định cần mạnh mẽ hơn trong việc đôn đốc các ngân hàng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho cộng đồng DN, người dân, nhằm giảm bớt khó khăn về vốn cũng như chi phí lãi vay để đầu tư khôi phục, phát triển SXKD. Về phía DN, cũng cần cấu trúc lại tổ chức, linh hoạt trong thực hiện chiến lược SXKD, đảm bảo là đối tác tin cậy của các ngân hàng”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
PHẠM TIẾN SỸ