Phát triển làng nghề gắn với sản phẩm OCOP
Ðể thích ứng với sự thay đổi, tìm lối đi riêng, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh chuyển sang sản xuất sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Nhiều làng nghề từng bước đầu tư làm mới sản phẩm để tạo thêm kênh phát triển du lịch nông thôn.
Theo Chi cục phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh có 42 làng nghề được công nhận theo Nghị định 52/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, 12 làng nghề có sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên (hiện còn 8 làng nghề có sản phẩm OCOP trong thời gian được công nhận, 4 làng nghề khác đang gia hạn lại chứng nhận sản phẩm OCOP).
Trong bối cảnh làng nghề mai một dần, sản phẩm làng nghề ít được ưa chuộng do thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh kế hoạch phát triển làng nghề theo thực tế. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, việc phát triển làng nghề có sự lựa chọn gắn kết với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đưa làng nghề, sản phẩm của làng nghề vào phục vụ du lịch nông thôn.
Sản phẩm bún, bánh của làng nghề bún - bánh An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ năm 2019. Ảnh: THU DỊU
Ông Hồ Vĩnh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn, cho hay việc phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn. Hầu hết làng nghề ở khu vực nông thôn đang hoạt động cầm chừng, chỉ nhóm làng nghề sản xuất các mặt hàng chế biến khá hơn. Do vậy, phát triển làng nghề và giữ nghề là bài toán khó, bởi giữ nghề - giữ làng nghề cốt lõi phải đảm bảo được đời sống cho người dân. Từ thực tế đó, Chi cục chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt toàn bộ hoạt động của làng nghề hiện nay, tham mưu cho Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương định hướng phát triển làng nghề gắn với phát triển sản phẩm OCOP, phục vụ du lịch nông thôn.
Sau khi có kế hoạch của UBND tỉnh về Phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2023- 2025, Chi cục phối hợp với các địa phương hỗ trợ phát triển các làng nghề đã có sản phẩm OCOP được công nhận, có tiềm năng tạo ra sản phẩm OCOP, nhằm góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề, giữ nghề truyền thống.
Chi cục tập trung vào định hướng, gợi mở để người dân làng nghề và chính quyền cơ sở nắm bắt việc phát triển làng nghề gắn với sản phẩm OCOP, phục vụ du lịch. Hơn ai hết, chính quyền cơ sở nắm bắt nhanh nhất, kịp thời nhất biến động của làng nghề, qua đó giúp các cấp điều hành, định hướng phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Vinh Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn), cho biết với định hướng phát triển làng nghề có sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền cấp tỉnh, Nhơn Lộc đầu tư phát triển làng nghề rượu Bàu Đá trở thành làng nghề “điểm” phục vụ du lịch trong thời gian tới. Hiện làng nghề có nhiều sản phẩm OCOP, người dân làng nghề giữ được nếp sinh hoạt truyền thống như giỗ tổ nghề, nhà thờ tổ… Quan trọng là thay đổi được suy nghĩ, cách làm của người dân làng nghề trong việc cùng giữ gìn tài sản của cộng đồng, nâng chất lượng sản phẩm, kiến tạo nên thương hiệu “làng nghề Bàu Đá” đủ tiêu chuẩn phục vụ du lịch. Để làm được điều này, chúng tôi đang tổ chức lại hoạt động sản xuất của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh rượu Bàu Đá, tập huấn cho người dân về kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là khâu bảo vệ môi trường…
Tương tự, lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Phù Cát cũng cho hay trên địa bàn đang có 3 làng nghề: Nước mắm Đề Gi (Cát Khánh); bún - bánh An Phong (thị trấn Ngô Mây), nón ngựa Phú Gia (Cát Tường) có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ năm 2019. Đây là điểm thuận lợi để Phù Cát đầu tư cho các làng nghề này gắn với Chương trình OCOP giai đoạn 2023 - 2025, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn.
THU DỊU