MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội: Nỗ lực thực hiện giám sát, phản biện xã hội
Từ đầu năm 2023 đến nay, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục chú trọng việc giám sát, phản biện xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Theo ông Hồ Sỹ Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nội dung, phương thức thực hiện giám sát, phản biện ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong phát triển KT-XH và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng Kế hoạch giám sát về các việc: Giải quyết, trả lời của các sở, ngành, địa phương đối với ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh; Thực hiện quy định của pháp luật trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh; Thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm của tỉnh, của địa phương; Thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại các huyện, xã...
Ngày 2.6, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Quy định chính sách hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân và địa bàn bố trí dân cư vùng thiên tai thuộc Chương trình bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng chủ trì tổ chức các hội nghị phản biện về nhiều dự thảo quy định, nghị quyết có ý nghĩa, tác động quan trọng đến nhiều đối tượng người dân. Qua đó, nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực để góp phần cho các nội dung phản biện được thực hiện tốt, phù hợp thực tiễn hơn. Đồng thời, tổ chức phản biện xã hội thông qua hình thức góp ý đối với các dự thảo văn bản của các cơ quan, ban, ngành.
Theo bà Huỳnh Thị Minh Hà, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh), các cấp công đoàn đã nỗ lực thực hiện theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị (khóa XI), thể hiện qua công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người lao động luôn được quan tâm, chủ động thực hiện thường xuyên.
Bà Hà cho biết: Trong năm nay, LĐLĐ tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, BHXH tỉnh tổ chức đoàn liên ngành giám sát về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến người lao động trong DN như hợp đồng lao động, tiền lương, tiền thưởng, BHXH, BHYT, an toàn vệ sinh lao động… dự kiến tại 20 đơn vị trường học, DN ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh. “Chúng tôi đang xin ý kiến lãnh đạo LĐLĐ tỉnh để tập trung triển khai từ tháng 7, trong đó chú trọng giám sát tại các DN khó khăn, phải cắt giảm số lượng lớn lao động thời gian qua…”, bà Hà nói.
Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức giám sát về quản lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất trồng rừng tại hai huyện Tuy Phước, Vân Canh. Theo ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, trong công tác này còn nhiều vấn đề cần quan tâm, nên Hội đang tiếp tục xây dựng kế hoạch để thực hiện giám sát tại một số địa phương khác, nhằm góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân và tuyên truyền, góp ý thực hiện theo đúng quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi, nhất là cấp cơ sở còn khó khăn, lúng túng… Theo Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng, tới đây cần khắc phục những hạn chế, phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị -xã hội, thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, đáp ứng yêu cầu tình hình mới theo các quyết định của Bộ Chính trị.
HOÀI THU