Bà Trần Tố Nga: Tôi sẽ không dừng bước
Giữa tháng 6.2023, nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Bình Ðịnh vui mừng đón bà Trần Tố Nga đến thăm, tặng những chiếc xe lăn nhiều tiện ích. Cùng với việc theo đuổi đến cùng vụ kiện lịch sử, bà Nga còn kết nối, vận động nguồn lực tiếp sức hồi sinh nạn nhân da cam của cả nước, trong đó có Bình Ðịnh.
Bà Trần Tố Nga (81 tuổi, quê ở tỉnh Sóc Trăng) là Việt kiều Pháp gốc Việt, được cả thế giới biết đến là người kiện các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Tại sao lại là tôi?
● Từ suy nghĩ ban đầu không muốn dính líu đến pháp lý, điều gì đã làm cho bà thay đổi?
- Tôi nhớ luật sư danh tiếng người Pháp William Bourdon hỏi tôi: Bà có muốn kiện không? Tôi đã trả lời là không muốn, vì lúc đó tôi đã gần 70 tuổi, thực tâm cũng không muốn dính líu gì đến vấn đề pháp lý. Ông giải thích, rằng nếu bây giờ bà từ chối thì thảm họa da cam, tội ác da cam sẽ bị vùi trong quên lãng, sẽ không còn ai kiện được nữa.
Năm 2008 - 1 năm trước khi tôi chính thức nộp đơn kiện, tôi về Việt Nam, trao tiền xây 200 căn nhà tình thương. Tiếp xúc gần với nạn nhân da cam, tôi đã khóc rất nhiều vì thấy nhiều người phải quằn quại đau đớn. Rồi nghe nói lúc đó đã có hơn 3 triệu nạn nhân da cam và di chứng còn kéo dài mãi, không biết đến bao giờ mới dứt. Vậy là tôi thay đổi suy nghĩ: Nếu làm cho bản thân mình thì không, còn vì 3 triệu người thì tôi làm!
● Nhiều người thắc mắc tại sao bà có thể thực hiện được vụ kiện…
- Tôi có một số thuận lợi vì là công dân Pháp, từng có nhiều đóng góp vun đắp tình hữu nghị hai nước Việt - Pháp, được nước Pháp tặng huân chương Bắc Đẩu Bội tinh. Nước Pháp có luật cho phép luật sư của họ mở những vụ kiện quốc tế, kiện một nước khác đã làm hại công dân nước mình. Đồng thời, tôi nhận được sự ủng hộ cao của William Bourdon. Ông từng qua Việt Nam, tiếp xúc với nạn nhân da cam Việt Nam, đồng cảm với nỗi đau cùng cực này nên đã hứa giúp.
Tôi là người đảm bảo được những điều kiện như vậy, cùng tấm lòng mong muốn đòi lại công lý cho 5 thế hệ người Việt bị di chứng của loại chất độc giết người này.
Cuộc chiến của bà Trần Tố Nga được thế giới ủng hộ. Ảnh: NVCC
Hòa giải là đầu hàng
Theo báo chí nhiều quốc gia trên thế giới, phiên tòa kiện công ty hóa chất của Mỹ do bà Trần Tố Nga đứng đơn là một phiên tòa lịch sử. Đặc biệt, suốt hơn 10 năm qua, từng có đề xuất hòa giải trong hòa bình nhưng bà nhất định không đồng ý.
● Thưa bà, vì sao đây là phiên tòa lịch sử?
- Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam từng 3 lần đưa đoàn nạn nhân da cam qua Mỹ kiện nhưng đều bị tòa án Mỹ trả hồ sơ. Lính Mỹ bị ảnh hưởng chất độc này đã được các công ty hóa chất Mỹ bồi thường nên không kiện. Một số nước khác tuy cũng có nạn nhân da cam từng tham chiến ở Việt Nam nhưng họ không có nơi nào để kiện. Hàn Quốc từng mở một phiên tòa, có kết án nhưng vì không phải là vụ kiện quốc tế nên bị phớt lờ. Nỗ lực đòi công lý cho nạn nhân da cam cứ như vậy gần như rơi vào bế tắc.
Thế rồi, năm 2009, tại Pháp, Hội Luật gia Dân chủ thế giới đã triệu tập một số thẩm phán ở nhiều nước, tự nguyện làm một tòa án lương tâm quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam, với tên gọi là Tòa án lương tâm quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam. Thật ra, trên thế giới có nhiều tòa án lương tâm, những tòa án này có xử, có kết án, nhưng án không có giá trị pháp lý.
Mãi đến năm 2015, phiên tòa đầu tiên mới được thành lập. Gần 1 năm sau, 19 công ty hóa chất của Mỹ ra hầu tòa. Điều này mang tính lịch sử vì kể cả Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tại La Haye (Hà Lan) mở, các công ty hóa chất Mỹ cũng không trả lời. Giờ đây, 19 công ty với 38 luật sư sừng sỏ của họ phải ra hầu tòa. Bên chúng tôi chỉ có 3 luật sư đều là người Pháp. Trong 19 phiên tòa thủ tục, tôi luôn khẳng định rằng tôi không kiện chính phủ Mỹ mà chỉ kiện các công ty đã biết rất rõ sản phẩm của họ chứa chất độc, gây hại cho người dân ở đất nước khác nhưng họ vẫn làm vì tiền.
● Nhiều lần bà khẳng định hòa giải là đầu hàng…
- Tôi từng là một học sinh miền Nam, được Đảng, Nhà nước đào tạo trong thời kỳ chiến tranh nên đã nói là làm, đã làm thì rất kiên quyết. Từ năm 2009 đến nay, rất nhiều khó khăn, tôi đều nỗ lực chịu đựng và vượt qua. Đã có những yêu cầu hòa giải, bản thân tôi mang nhiều căn bệnh trong người, ngay cả người Việt Nam cũng rất xót xa vì thấy vụ kiện lâu quá, vậy nhưng cá nhân tôi cho rằng, hòa giải là đầu hàng. Nếu hòa giải, tôi nghĩ nạn nhân da cam Việt Nam không chỉ thất vọng mà sẽ còn tuyệt vọng.
Tôi nhận thức sâu sắc rằng, đằng sau lưng tôi là 5 triệu nạn nhân ở hiện tại và có thể sẽ còn tăng nữa. Có những phiên tòa, suốt 4 tiếng đồng hồ ngồi nghe luật sư của bị cáo chỉ trích đủ điều, nhưng tôi đều ráng chịu đựng. Đến tháng 5.2023, tòa tuyên bố không bác đơn kiện của tôi mà chỉ nói là đơn kiện này không thể được xét tại tòa án Pháp. Tôi và luật sư của mình đã kháng án ngay.
Bà Trần Tố Nga (thứ 3 từ phải sang) đến thăm, tặng xe lăn cho nạn nhân da cam ở huyện Phù Mỹ giữa tháng 6.2023. Ảnh: N.T
Tiếp thêm nghị lực cho nạn nhân da cam
Hai năm qua, không chỉ dừng lại ở việc trao tình thương đến nạn nhân da cam thông qua vụ kiện, bà còn mong muốn giúp họ có thêm nguồn nghị lực để khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Bà tích cực vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ nạn nhân da cam thông qua các lớp dạy nghề, hỗ trợ sinh kế và những điều kiện khác để cải thiện cuộc sống và sức khỏe.
● Thưa bà, đang tuổi cao sức yếu lại có nhiều bệnh, động lực nào đã giúp bà vẫn bền bỉ rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc, len lỏi vào từng xóm thôn thăm hỏi nạn nhân da cam?
Tôi muốn báo chí không chỉ đưa hình ảnh nạn nhân da cam quặt quẹo, đau đớn trong hình hài không lành lặn, mà hãy làm bật lên những con người rất can đảm đối mặt với số phận và không ngừng vươn lên để không còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
- Ý chí chiến đấu vì công lý trong tôi đã nằm trong tiềm thức, từ truyền thống gia đình cách mạng kiên trung, từ người mẹ là Hội trưởng Hội phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam đầu tiên. Tôi từng là nhà báo của Thông tấn xã Giải phóng miền Nam Việt Nam, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã bị địch bắt tù đày, rồi sinh con trong tù. Là học sinh miền Nam, tôi cũng muốn trả cái nghĩa với quê hương, đất nước đã nuôi dạy tôi trưởng thành. Bây giờ, vụ kiện đã được cả thế giới biết đến, đem lại niềm tin rằng tội ác phải bị phơi bày ra ánh sáng và trả giá.
Đi nhiều, tiếp xúc với nhiều nạn nhân da cam, có những cuộc gặp gỡ làm lòng tôi buốt nhói, thôi thúc tôi không được dừng bước. Chẳng hạn, lần gặp một nạn nhân da cam bị teo cơ chân, quặt ra phía sau, chỉ mơ được đứng một lần. Tôi vận động nguồn lực, mổ nắn xương chân của em từ sau ra trước. Em này hiện đã có hai bằng đại học và có vợ.
● Riêng với nạn nhân da cam của tỉnh Bình Định, trong lần về với họ đầu tiên này, bà có tâm sự gì?
- Ở Bình Định, tôi có một số bạn bè là học sinh miền Nam; tất cả đều nhiệt tình hỗ trợ tôi kết nối với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, chính quyền các địa phương để triển khai thuận lợi việc tặng xe lăn cho nạn nhân lần này. Nạn nhân da cam ở Bình Định cũng như ở cả nước luôn cần được quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện cải thiện đời sống và sức khỏe. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục kết nối với Bình Định và nếu mọi yêu cầu được đáp ứng, tôi sẽ vận động nguồn lực hỗ trợ một vài lớp dạy nghề, hỗ trợ sinh kế, xe lăn cho nạn nhân da cam của tỉnh.
Thời gian tới, tôi sẽ còn trở lại Bình Định…
● Xin cảm ơn bà. Chúc bà luôn có thật nhiều sức khỏe và làm được những điều bà mong muốn.
NGỌC TÚ (Thực hiện)