Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7
Tăng lương cơ sở, lương hưu, giảm thuế VAT và bắt đầu thí điểm đấu giá biển số xe là những chính sách nổi bật hiệu lực từ tháng 7.
Tăng lương cơ sở từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng
Nghị định 24/2023, hiệu lực từ ngày 1.7, quy định chín nhóm được tăng lương. Nhóm đầu tiên là cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện. Nhóm hai là cán bộ, công chức cấp xã. Nhóm ba là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Nhóm bốn là người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc diện được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng.
Người dân làm thủ tục tư pháp, thủ tục hành chính phường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.
Nhóm năm là người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động. Nhóm sáu là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và hợp đồng lao động thuộc quân đội nhân dân Việt Nam. Nhóm bảy là sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc công an nhân dân.
Nhóm tám là người làm việc trong tổ chức cơ yếu. Nhóm chín là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố. Các cơ quan, đơn vị đang theo cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương sẽ tiếp tục thực hiện đến khi cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương.
Cách tính lương của các nhóm này là lấy lương cơ sở nhân với hệ số, cộng với các loại phụ cấp. Một người mới tốt nghiệp đại học, đi làm hưởng hệ số lương 2,34 thì sẽ hưởng mức lương là 2,34x1,8 triệu đồng bằng 4,212 triệu đồng. Lương cơ sở dùng làm căn cứ tính lương trong các bảng lương, phụ cấp, sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, lương hưu.
Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp
Theo Nghị định 42/2023 hiệu lực từ 1.7, mức tăng 12,5% so với mức đang hưởng tháng 6, áp dụng với những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng; mức tăng 20,8% áp dụng với những người hưởng lương hưu, trợ cấp mà chưa được tăng từ đầu năm 2022 đến tháng 6/2023.
Người nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà vẫn hưởng dưới 3 triệu đồng thì sẽ được tăng thêm. Cụ thể, người hưởng dưới 2,7 triệu đồng được tăng thêm 300.000 đồng; người hưởng từ 2,7 đến dưới 3 triệu được tăng lên 3 triệu.
Các nhóm được tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng gồm: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, người lao động; quân nhân, công an, người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp theo quyết định của Hội đồng Chính phủ năm 1979.
Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quyết định năm 1975 của Hội đồng Chính phủ; quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ; công an tham gia kháng chiến chống Mỹ dưới 20 năm công tác đã thôi việc, xuất ngũ; quân nhân, công an, người làm cơ yếu tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Lào sau tháng 30.4.1975, đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc, cũng thuộc diện được tăng lương hưu, trợ cấp.
Ngoài ra, người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng trước năm 1995 cũng thuộc diện được tăng đợt này.
Giảm thuế VAT 2%
Quốc hội thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp 5 ngày 24.6, trong đó quyết nghị giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết 43/2022. Việc giảm thuế này được thực hiện từ 1.7 đến hết năm nay.
Như vậy, thuế VAT sẽ giảm về 8%, nhưng không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ước tính, ngân sách năm nay sẽ hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi đưa thuế VAT về 8% trong nửa cuối năm.
Bắt đầu đấu giá biển số ôtô
Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều về thí điểm đấu giá biển số ôtô, từ ngày 1/7, biển số đưa ra đấu giá là biển số ôtô nền màu trắng, chữ và số màu đen. Tổ chức, cá nhân được tham gia đấu giá biển số ôtô của các tỉnh, thành trên cả nước. Hình thức đấu giá trực tuyến.
Đến phiên đấu giá, người dân dùng tài khoản của mình truy cập vào trang thông tin trực tuyến để tham gia. Kết thúc đấu giá, trang thông tin trực tuyến sẽ xác định người trúng; thông báo kết quả, hiển thị biên bản để người trúng xác nhận. Đấu giá viên xác thực vào biên bản bằng chữ ký số để gửi cho người trúng.
Người trúng đấu giá được đăng ký biển số với ôtô thuộc sở hữu của mình; được giữ lại biển số trong trường hợp ôtô bị mất, hư hỏng hoặc được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm ôtô bị mất, hư hỏng hoặc chuyển giao.
Người trúng đấu giá nộp đủ số tiền trong 15 ngày từ khi được phê duyệt kết quả đấu giá và phải đăng ký gắn biển lên phương tiện trong 12 tháng. Sau thời hạn quy định, người trúng đấu giá không đăng ký ôtô để gắn biển số sẽ bị thu hồi biển số và không được hoàn trả số tiền đã nộp.
Người trúng đấu giá không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế biển số trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế ôtô gắn biển số trúng đấu giá.
Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế
Nghị định 29/2023, có hiệu lực từ 20.7, bổ sung một số trường hợp thuộc diện tinh giản biên chế. Đó là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền, cá nhân tự nguyện tinh giản; người làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn tại đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư cho sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực.
Người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sáp nhập các xã; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư cho sáp nhập thôn, tổ dân phố trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp, cũng thuộc diện tinh giản.
Diện tinh giản còn là người chưa đạt trình độ theo tiêu chuẩn; có hai năm liên tiếp liền kề thời điểm xét tinh giản biên chế, có một năm hoàn thành nhiệm vụ, một năm không hoàn thành nhiệm vụ mà không bố trí được công việc khác; có hai năm liên tiếp mà mỗi năm có tổng ngày nghỉ do ốm đau cao hơn số ngày nghỉ quy định.
Những trường hợp chưa tinh giản gồm: người đang mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 36 tháng tuổi; đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thanh tra, kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm.
Chính phủ khuyến khích nghỉ hưu trước tuổi, chuyển sang làm việc tại tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách, thôi việc.
(Theo SƠN HÀ/VnE)