Người bảo vệ tổ ấm
Từ hộ nghèo, nhiều phụ nữ từng bước vượt khó, phát triển kinh tế, làm chỗ dựa cho gia đình nhờ sự khéo léo, kiên trì. Với họ, trách nhiệm làm vợ, làm mẹ là động lực lớn nhất để lo cho các thành viên cái ăn, cái mặc, không để con cái phải nghỉ học giữa chừng.
Tổ ấm êm đềm
Được người dân địa phương yêu quý bởi sự đồng lòng vượt khổ, vợ chồng chị Cao Thị Lành và anh Nguyễn Văn Trạng (ở xã Phước An, huyện Tuy Phước) được xem là gia đình hạnh phúc kiểu mẫu. Trong ngôi nhà khang trang, tràn ngập tiếng cười ấy, chị Lành được xem là “linh hồn” bởi sự vững tâm và nhẫn nại.
Vợ chồng chị Lành thêm gắn bó sau khi cùng nhau trải qua mọi thăng trầm của cuộc sống. Ảnh: DƯƠNG LINH
Khi còn là hộ nghèo, chị Lành tự học nghề đan mây và nhận gia công cho các xưởng lân cận. Dần dần, sau khi tích lũy nhiều kinh nghiệm, chị thành lập tổ gia công nhựa giả mây, tạo việc làm cho hơn 30 lao động ở xã. Mùa cao điểm, số lượng lao động có thể lên đến 40 người, thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Cứ như vậy, một tay chị quán xuyến việc nhà, chăm sóc 4 người con trai và cùng chồng lo chuyện làm ăn trong nhiều năm liền. Nhờ kinh tế phát triển, gia đình chị thoát nghèo. Gia đình nhỏ bớt đi nhiều nỗi lo và tiếng cười ngày một nhiều hơn.
Chị Lành tâm sự: “Hạnh phúc nhất là khi tôi nhìn những đứa con nhỏ hiểu chuyện, tự mày mò, bảo ban nhau phụ giúp bố mẹ gia công cho kịp những đơn hàng. Còn chồng tôi, anh là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho 5 mẹ con. Chúng tôi luôn dành thời gian bên nhau. Mỗi bữa cơm gia đình vì thế được các thành viên xem trọng”.
Ngoài chăm sóc chồng con, phụ nữ còn chu đáo lo cho nội ngoại hai bên. Chị Trịnh Thị Lê (ở khu phố Lại Khánh, phường Hoài Đức, TX Hoài Nhơn) là trường hợp như vậy. Dù là hộ nghèo nhưng chưa khi nào chị không làm tròn chức trách với gia đình lớn.
Từ làm ruộng, chị Lê vay vốn để chăn nuôi và làm thêm nhiều việc để có thể quan tâm, chăm sóc chu đáo bố mẹ 2 bên và con nhỏ. Như hiểu sự tảo tần của mẹ, hai người con của chị đều ngoan ngoãn và nhiều năm liền đạt thành tích học sinh giỏi. Gia đình nội ngoại cũng thuận hòa, êm ấm.
“Tôi thấy mình may mắn vì có một mái ấm trọn vẹn, có động lực phấn đấu để sống tốt lên từng ngày. Vậy nên, dù thấy mình còn thiếu sót nhưng tôi luôn làm tốt nhất có thể để hiếu thuận bố mẹ, là người vợ đảm và là bạn đồng hành, chia sẻ với chồng, làm gương cho con”, chị Lê tâm sự.
Chị Lê luôn dành thời gian chăm lo việc học của con. Ảnh: NVCC
Những hy sinh thầm lặng
Hạnh phúc nào cũng có sự đánh đổi. Để xây dựng mái ấm nhỏ đầm ấm, người vợ, người mẹ đã thầm lặng hy sinh nhiều điều.
Nhìn góc nhà để tầng tầng, lớp lớp các vật liệu để đan nhựa giả mây, chị Lành cảm thán rằng, mới đó mà đã 13 năm trôi qua. Theo lời chị, từ 2010 - 2015 là khoảng thời gian vất vả nhưng đáng nhớ nhất. Khi đó, anh Trạng đi làm xa, mười ngày nửa tháng mới về nhà một lần. Mình chị chăm sóc con thơ từ bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện học hành. Những khó khăn, áp lực, nỗi buồn tủi đã khiến người phụ nữ ấy nhiều lần rơi nước mắt.
“Tủi thân nhất là khi đưa một đứa đi khám bệnh, mình tôi phải đèo cả 3 đứa trên chiếc xe đạp cà tàng bởi không thể nhờ ai trông giúp; trong khi những gia đình khác con được cả cha mẹ đưa đi. Buồn một nhưng lo mười vì sợ không đủ viện phí”, chị Lành trải lòng.
Theo dòng cảm xúc, chị Lành nhớ lại cảnh cả gia đình chen chúc trong ngôi nhà cũ vỏn vẹn 36 m2. Chị nhường con nằm trong phòng, còn mình và chồng ở ngoài hiên vừa canh vật liệu vì sợ trộm mất, vừa trông chừng con ngủ. Nước mưa có tạt, vợ chồng chị cũng chịu để con được ngon giấc.
Chị tâm sự: “Vì khó khăn nên ngày Tết, tôi cũng không thể mua bánh trái hay đồ mới cho con. Tôi tự dặn lòng phải nỗ lực gấp 2 - 3 lần sức mình để chồng không cần mưu sinh xa xứ, con không còn tự ti với bạn bè. Ước mơ của tôi chỉ có vậy!”.
Khát khao của người phụ nữ suy cho cùng là chăm lo cho những người họ yêu thương. Hiểu được con mình ham học và học tốt, chị Lê không bao giờ than vãn mệt nhọc mà cố gắng làm lụng thật nhiều. Chị đi qua nhiều khó khăn, nào mất mùa trong trồng trọt, thiếu kinh nghiệm khi chăn nuôi gia súc và cân bằng với thời gian chăm sóc bản thân.
Thế nhưng, vì nỗi ám ảnh rằng con sẽ phải nghỉ học vì điều kiện gia đình, chị dành thời gian học hỏi, kiên trì, không bỏ cuộc. Nhờ đó, chị kiếm được 50 triệu đồng/năm từ việc nuôi heo thịt và tranh thủ thời gian nhàn rỗi, nhận may gia công tại các cơ sở gần nhà, kiếm thêm 4 - 4,5 triệu đồng/ tháng.
“Làm nhiều thì mệt chứ! Nhưng không làm thì tôi lại sợ không đủ tiền lo cho con ăn học. Ước mơ lớn nhất cả đời tôi là thấy con được học hành đầy đủ và theo đuổi đam mê của chúng. Thế nên, mệt một chút, ngủ ít hơn một chút cũng không sao”, chị Lê cười hiền.
DƯƠNG LINH