Mưu sinh trên đầm Thị Nại
Nằm liền kề nội thành Quy Nhơn về phía Đông Bắc, Thị Nại là đầm lớn nhất Bình Định có hệ sinh thái phong phú với nhiều loại động thực vật quý.
Cuộc mưu sinh trên đầm không dễ dàng, nhưng cũng không thiếu niềm vui và hy vọng. Mỗi ngày, người dân quanh đầm thức dậy sớm để chuẩn bị đồ đạc và xuống thuyền ra đầm. Họ phải theo dõi thời tiết và thủy triều để biết lúc nào thích hợp mà đánh bắt. Khi nước lên cao, họ dùng lưới để bắt tôm, cua, cá. Khi nước xuống thấp, họ dùng xẻng, cuốc hoặc tay không để bới lên những con phễnh, vẹm, nghêu, ngao, ốc, trùn biển ẩn mình trong bùn đất.
Nghỉ hè, Trần Thanh Hương (14 tuổi, ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) không có thời gian chơi đùa như bạn bè, mà phải giúp mẹ đi bắt vẹm ở đầm Thị Nại để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Em mong muốn học thật giỏi để thoát khỏi cảnh nghèo khổ và có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chị Hồ Thị Hóa (32 tuổi, ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) mới vào nghề bắt vẹm trên đầm Thị Nại được một năm nay. Từ 12 giờ đến chiều tối, chị phải ngâm mình dưới nước để tìm kiếm những con vẹm nhỏ xíu.
Ông Huỳnh Văn Phương (45 tuổi, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) làm nghề kéo rớ hơn 30 năm qua trên đầm Thị Nại. Ông thường ra đầm vào khoảng 17 giờ và trở về sau 6 giờ hôm sau. Mỗi chuyến đi, ông bắt được 9 - 10 kg cá, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và dòng nước. Đây là nguồn sống chủ yếu của gia đình ông.
Người dân dùng xẻng để đào những con phễnh đang sống dưới lớp bùn. Mỗi buổi chiều một người đào phễnh có thu nhập 100 - 200 nghìn đồng.
Đầm Thị Nại là nguồn sống của nhiều gia đình tự bao đời nay. Với họ, khai thác đi liền với bảo vệ nguồn động thực vật trên đầm mang ý nghĩa sống còn, vì một tương lai bền vững hơn…
NGUYỄN DŨNG