ASEAN cần đảm bảo an toàn cho hạ tầng cáp quang biển
Các tuyến cáp quang biển tại các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) đang đối mặt với nguy cơ dễ bị gián đoạn, tấn công và xảy ra sự cố do không có một kế hoạch cụ thể ở cấp khu vực.
Các tuyến cáp quang biển thường xảy ra sự cố
Kể từ tháng 11.2022, cả 5 đường truyền internet dưới biển của Việt Nam nhiều lần bị sự cố, khiến tốc độ internet tại Việt Nam bị chậm đáng kể và buộc phải phụ thuộc vào các kết nối trên cạn đến Trung Quốc và Campuchia. Những sự cố này bắt nguồn từ nhiều vấn đề kỹ thuật khác nhau, trong đó có cả những hư hỏng của cáp quang tại các vùng biển gần Malaysia và Hong Kong.
Đa số sự cố cáp quang xảy ra do vô ý, như việc neo tàu, lưới đánh cá, động đất hay lở đất. Hiện thế giới có hơn 400 tuyến cáp quang biển nhưng chỉ có khoảng 60 tàu làm nhiệm vụ sửa chữa cáp. Vậy nên, mỗi khi xảy ra sự cố, việc khắc phục thường rất lâu.
Ảnh: Depositphotos
Biển Đông là nơi có hạ tầng cáp quang dày đặc và cũng là tuyến hàng hải bận rộn, nên cáp quang ở đây thường xuyên gặp sự cố. Trong bối cảnh các quốc gia ASEAN đang số hóa và ngày càng liên kết với nhau cũng như với các khu vực khác, thì rất cần có một kế hoạch tập trung để bảo vệ lĩnh vực có tính chất an ninh quốc gia như vậy mà trước giờ vẫn bị xem nhẹ. Năm 2019, ASEAN từng khởi động luật hóa các kết nối thiết yếu này bằng việc ra mắt “Hướng dẫn sửa chữa và tăng cường khả năng chống chịu cáp quang biển”, nhưng chỉ tập trung vào việc hợp pháp hóa hoạt động sửa chữa mà chưa xem xét kỹ đến các biện pháp an ninh và thích ứng.
Trong vấn đề này, không thể không nói đến các trạm cập bờ tuyến cáp quang biển (CLS). Trong khi việc chủ ý gây tác động đến một tuyến cáp quang biển là rất tốn kém và khó khăn, thì việc can thiệp thông tin từ một CLS dễ hơn rất nhiều. Theo đó, bên thứ ba có thể sao chép hay điều hướng luồng dữ liệu mà bên nhận không hề hay biết. Ngoài ra, dữ liệu còn có thể bị đưa qua các điểm trung chuyển ở những quốc gia đối đầu, trước khi đến điểm cuối. Các cuộc tấn công mạng hay tác động trực tiếp vào các CLS cũng có thể cắt đứt hoàn toàn luồng dữ liệu. Một trong những nguyên nhân khiến các CLS dễ bị tấn công là bởi các “hệ thống mạng từ xa” đang dần thay thế con người để quản lý các CLS.
Giải pháp bảo vệ hệ thống cáp quang biển
Để đảm bảo cả an ninh con người và quốc gia, các nước ASEAN cần phải lập ra một kế hoạch toàn diện về vấn đề mở rộng mạng lưới hạ tầng cáp quang biển, cũng như cách thức bảo vệ hệ thống này trước những nguy cơ hiện hữu và tiềm tàng.
Trước hết, cần củng cố những quy định và khung luật pháp hiện hành cho phù hợp với lĩnh vực thiết yếu này. Không chỉ tiếp tục các giải pháp ngăn chặn sự cố, các nước ASEAN cũng nên tham khảo các mô hình hoạt động trên thế giới để áp dụng cho mỗi thành viên.
ASEAN cũng nên xây dựng một tầm nhìn về tăng cường các mối liên kết giữa mạng lưới khu vực với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ và châu Âu, nhằm đảm bảo mạng cáp quang biển có thể chống chịu trước gián đoạn.
Khối ASEAN cũng cần thiết lập một kế hoạch hành động về an ninh mạng để bảo vệ các bí mật quốc gia và DN, nhằm tăng cường lòng tin của nhà đầu tư trong khu vực. Các nước như Malaysia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam đang đẩy mạnh nâng cao năng lực số và việc có kế hoạch bảo vệ dữ liệu trong bối cảnh hội nhập quốc tế là rất cần thiết để lấy niềm tin của nhà đầu tư.
LÊ QUẢNG (Theo The Diplomat)