Chung tay đẩy lùi “cái chết trắng” - Kỳ 1
LTS: Ma túy đang là nỗi lo chung của cả cộng đồng. Báo Bình Định gửi đến bạn đọc chuyên đề Chung tay đẩy lùi “cái chết trắng”, phản ánh về hiểm họa khôn lường của ma túy và sự nỗ lực chung sức, đồng lòng để đẩy lùi “cái chết trắng”.
Kỳ 1: Từ ảo giác đến án thật
Cho cuộc vui thêm phần hưng phấn là lý do đơn giản để một bộ phận dân chơi ma túy chịu chi đến hàng chục triệu đồng cho một bữa tiệc “cắn kẹo” (nhai thuốc lắc), “phá ke” (hít ketamine). Hệ lụy từ những cuộc chơi “thâu đêm suốt sáng” là giảm sút tinh thần, thể chất và nguy hiểm hơn là trở thành tội phạm, gây đau thương và gánh nặng cho gia đình, xã hội.
“Phiêu” với tiệc ma túy
Sau vài lần hẹn, H. (ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) đồng ý cho tôi mục sở thị thú chơi không khói này. Một tối cuối tuần, tại một quán karaoke ở nội thành Quy Nhơn, sau khi mọi người có mặt đầy đủ, T. (một người trong nhóm của H.) nói: “Hôm nay phải xõa cho tới luôn, anh mời”.
Nói xong, T. lấy trong túi xách tay một gói nhỏ, trong đó có nhiều viên nén màu xanh (thuốc lắc) và một gói ny lông nhỏ màu trắng (khay). “Kẹo xanh” nhanh chóng được chia cho từng người, riêng một thiếu nữ chừng 20 tuổi rụt rè, xua tay. T. bẻ nửa viên nén màu xanh, nói: “Em cứ thử cho biết, không sao đâu. Chỉ làm mình kích thích và vui thêm thôi!”. Không cưỡng được sự mời gọi, thiếu nữ này cũng bỏ vào miệng phần kẹo, để xem có ngon như giới thiệu hay không.
Tại một số quán bar, pub dễ dàng bắt gặp các bạn trẻ dùng bóng cười. Ảnh: K.A
Trong tiếng nhạc chát chúa, ánh đèn mờ ảo, khói thuốc lá, phòng hát bí bách… khiến tôi có cảm giác như bị tra tấn. H. và nhóm bạn bắt đầu có biểu hiện hưng phấn, nhắm nghiền mắt lại và lắc lư, uốn éo theo điệu nhạc xập xình, tôi cũng giả vờ nhún nhảy để mình không “lạc quẻ”.
Khoảng 20 phút, một đôi nam nữ trong nhóm rời khỏi phòng hát. Lúc này, H. quay sang tôi và cho biết: Hai đứa đó đi “xả đồ”, lát sẽ quay lại thôi. Thấy tôi có vẻ chưa hiểu, H. giải thích thêm, tùy theo cơ địa từng người, khi “cắn kẹo” sẽ có nhu cầu về tình dục. “Một khi đã “bay” thì phải “tới bến”, nếu không sẽ rất mệt, không khéo còn bị “gãy nhạc” - tức làm cho “người bay” rơi vào trạng thái dễ bị “ngáo ke””, H. nói.
Trong khi đó, cô gái lúc nãy cứ đi qua đi lại, ánh mắt lờ đờ tay ôm đầu lắc lư theo điệu nhạc. Lúc này, một thanh niên tiến đến vỗ về và dùng tay uốn theo điệu nhạc trước mặt để “dẫn” cô gái “ảo” theo tiếng nhạc.
Nhóm của H. có thành phần chủ yếu là “anh em xã hội” và một số “cậu ấm cô chiêu”. H. bật mí, chi phí cho “cuộc bay” hôm nay tầm hơn chục triệu đồng. H. vừa nói vừa đổ gói bột trong túi ny lông ra đĩa rồi dùng thẻ card liên tục xoay đảo tạo thành từng đường thẳng (lát sau tôi mới biết đó là công đoạn “xào ke”). Thấy tôi chăm chú nhìn, H. bảo, “cắn kẹo” chỉ là mở đầu cuộc chơi, còn với “hít ke” thì cuộc vui mới thật sự bắt đầu.
Nhìn H. cùng nhóm bạn trong tình huống ấy, bất giác tôi nhớ trường hợp của Phạm Mỹ Anh (SN 2004, ở TP Quy Nhơn). Mỹ Anh từng rủ bạn góp tiền mua ma túy và thuê một căn hộ khách sạn trên địa bàn phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn) để chào tuổi mới của mình bằng tiệc ma túy. Và cái giá của bữa tiệc ấy là Mỹ Anh lãnh mức án 4 năm 6 tháng tù giam.
Loạn thần và tội ác
Nhớ lại lần đầu tiếp xúc với thuốc lắc, H. kể: “Lần đó em đi cùng người yêu và được cắn nửa viên “kẹo” với nửa ly rượu. Sau ít phút, cổ họng rát, cảm giác toàn thân nóng ran, đầu óc choáng váng, không kiểm soát được hành động của bản thân lúc đó. Cả đêm hôm ấy, em gào thét, nhảy nhót cùng đám bạn”.
Bệnh nhân bị loạn thần đang điều trị nội trú tại Khoa Điều trị nam (Bệnh viện Tâm thần tỉnh). Ảnh: N.H
Dân chơi “kẹo”, “ke” cho hay, ai dùng lần đầu hay nhiều lần cũng gặp phải hiện tượng ấy. Nếu “cắn kẹo” liên tục trong một đêm, cảm giác ảo nhiều hơn, hưng phấn tăng mạnh, nhảy nhót quay cuồng không biết mệt; song sau đó thì cơ thể rã rời, có trường hợp 2 - 3 ngày không ăn uống được.
Hoặc vì thiếu hiểu biết, hoặc để biện minh cho thú chơi của mình, nhiều người nghĩ “kẹo”, “ke” không gây nghiện, chỉ tạo cảm giác “phiêu”, hưng phấn. Song trên thực tế, đã có nhiều vụ án giết người, cố ý gây thương tích do chính người “ngáo” (trạng thái tinh thần không kiểm soát) gây ra. Như trường hợp bị cáo Nguyễn Văn Hậu (SN 2000, ở huyện Phù Mỹ), do sử dụng nhiều loại ma túy dẫn đến hoang tưởng, ảo giác nên đã dùng dao chém nhiều người bị thương. Theo kết luận giám định, tại thời điểm gây án Hậu bị mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi do sử dụng nhiều loại ma túy trong thời gian dài.
Còn M. (ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn; sử dụng ma túy hơn 15 năm) thường có những triệu chứng ảo giác, dùng vật cứng đập vào đầu gây chảy máu nên được gia đình đưa vào bệnh viện.
M. chia sẻ: “Tôi hay cảm giác có ai đó cứ đuổi đánh và rủ đi, tâm trạng rất bứt rứt nên có những hành động làm hại bản thân. Nhiều khi “ngáo” lên không làm chủ được bản thân, tôi còn đuổi đánh người thân, hàng xóm, khiến ai nấy cũng hoảng sợ. Gia đình phải đưa tôi vào Bệnh viện Tâm thần tỉnh điều trị”.
Theo bác sĩ Võ Văn Thống, Trưởng khoa Điều trị nam (Bệnh viện Tâm thần tỉnh), các chất ma túy tác động nhanh tới hệ thần kinh, khiến người sử dụng nhanh chóng bị lệ thuộc, mất kiểm soát hành vi. Nguy hại hơn, nếu sử dụng với liều lượng cao, trong thời gian dài, các chất này sẽ khiến hệ thần kinh của người dùng bị tê liệt và việc điều trị càng khó khăn.
Thông thường, bệnh nhân loạn thần nhập viện đều trong tình trạng mất kiểm soát hành vi, rối loạn tâm thần, thích gây gổ với người xung quanh. Loạn thần do ma túy thường rất hay tái phát vì bệnh nhân rất dễ tái nghiện.
“Về thể chất, cơ thể bị kích động, biếng ăn, mất ngủ dễ dẫn đến suy kiệt; trạng thái hưng phấn tạo ra từng cơn ảo giác, gây rối loạn nhịp tim dễ dẫn đến trụy tim và đột tử. Về tâm lý, “thuốc lắc” kích thích hệ thần kinh trung ương nên thường tạo cảm giác kích động, lâu dần người sử dụng mất khả năng tình dục, phụ nữ dễ bị sẩy thai. Tuy nhiên, rất ít người sử dụng biết điều này, vì ở giai đoạn đầu, nó có vẻ đẩy mạnh hoạt động tình dục”, bác sĩ Thống phân tích.
Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, số bệnh nhân nhập viện để điều trị chứng rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng
ma túy thời gian gần đây tăng đáng kể. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, Bệnh viện khám ngoại trú cho 118 bệnh nhân (trong đó nam 108, nữ 10); khám, điều trị nội trú cho 51 bệnh nhân (nam 47 người, nữ 4), tăng 5 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2022. Đa số các bệnh nhân vào khám và điều trị nội trú tại Bệnh viện có tuổi đời khá trẻ, từ 18 - 22; thậm chí có trường hợp mới chỉ 15 tuổi.
KIỀU ANH - NGUYỄN HÂN
● Kỳ 2: Nóng bỏng cuộc chiến với tội phạm ma túy