Tăng cường các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá
Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh vừa ban hành kế hoạch hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2023. Ðể rõ hơn về kết quả đạt được cũng như những hoạt động thời gian đến, Báo Bình Ðịnh phỏng vấn ông Nguyễn Văn Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh.
*Thực trạng hút thuốc lá tại tỉnh ta hiện như thế nào, thưa ông?
- Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh năm 2022 tại Bình Định như sau: Có 43,4% nam giới và 0,3% nữ giới đang hút thuốc lá, tỷ lệ chung là 21,9%. Có 35,7% người lao động tuổi từ 15 trở lên phải hút thuốc thụ động ở các nơi làm việc trong nhà. Tỷ lệ phơi nhiễm khói thuốc lá ở các cơ quan nhà nước, phương tiện giao thông công cộng, cơ sở y tế, trường đại học, trường phổ thông lần lượt là 38,9% - 36,3%- 24,5% - 23,1% - 13,1%. Đáng chú ý, có 56,0% người không hút thuốc tuổi từ 15 trở lên hút thuốc thụ động tại nhà. Nữ giới có tỷ lệ phơi nhiễm khói thuốc lá tại nhà cao hơn nam giới (51,6% so với 32,5%).
Có một điều cần nói thêm là hầu hết những người trưởng thành (93%) tin rằng hút thuốc lá gây bệnh lý nghiêm trọng và hơn 2/3 số người (78,9%) biết rằng hút thuốc lá có thể gây ra cả ba bệnh ung thư phổi, đau tim và đột quỵ… Tuy nhiên, việc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá của những người nghiện hút thuốc ở tỉnh Bình Định không dễ dàng.
* Theo ông, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá ở Bình Định có những thuận lợi, khó khăn đáng kể nào?
- Thời gian qua, công tác phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá có những thuận lợi như: Hằng năm Bộ Y tế đều có hướng dẫn, Sở Y tế căn cứ vào đó tham mưu cho Ban Chỉ đạo PCTH của thuốc lá tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện. Cùng với đó, hầu hết các đơn vị, địa phương đã xây dựng và kiện toàn ban chỉ đạo PCTH của thuốc lá của đơn vị để triển khai hoạt động.
Việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá theo quy định đã được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức thực hiện và đã thu được những kết quả khích lệ. Nhiều đơn vị, địa phương đưa nội dung PCTH của thuốc lá vào tiêu chí thi đua để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm, tạo được những hành động tích cực để triển khai tốt công tác này...
Tuy nhiên, công tác PCTH thuốc lá cũng gặp không ít khó khăn.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra tình hình hút thuốc lá tại huyện Hoài Ân. Ảnh: Đ. THẢO
Thực tế việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá còn gặp nhiều trở ngại như: Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, người hút thuốc lá rất khó bỏ ngay cả khi biết rất rõ về tác hại của việc hút thuốc. Nhiều người hút thuốc lá còn thiếu ý thức, vẫn hút ở nơi có quy định cấm. Giá thuốc lá rẻ và được bày bán khắp nơi làm tăng khả năng mua thuốc lá, nhất là thanh thiếu niên - lứa tuổi bắt đầu hút mới. Dịch vụ tư vấn và điều trị chưa được phổ biến rộng rãi nên giảm hiệu quả của việc cai nghiện thuốc lá.
Mặt khác, trên thị trường thời gian qua đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha) chưa được quản lý, điều này làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt trong nhóm người trẻ tuổi... Nguyên nhân nữa là nhiều người có nhiệm vụ quản lý khu vực không được hút thuốc lá nhưng họ rất ít hoặc không thường xuyên nhắc nhở người có hành vi vi phạm quy định.
Ngoài ra, một số cán bộ lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCTH của thuốc lá ở địa phương, đơn vị mình. Việc xử phạt người hút thuốc vi phạm quy định thực tế rất hạn chế, gặp nhiều khó khăn vì phải thực hiện theo quy trình xử phạt...
* Vậy để công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đạt những mục tiêu đã đề ra, thời gian tới tỉnh Bình Định sẽ triển khai những hoạt động gì?
- Để thực hiện hiệu quả các hoạt động PCTH của thuốc lá theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo PCTH của thuốc lá năm 2023, tiến tới đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành trên địa bàn tỉnh còn 32% vào năm 2025 và các chỉ tiêu khác, thời gian tới đòi hỏi tất cả chúng ta phải thực hiện tốt Luật PCTH của thuốc lá. Ngoài công tác truyền thông, tuyên truyền, các sở, ban, ngành, đơn vị phải chủ động thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật, nhất là thực hiện môi trường cơ quan, đơn vị không khói thuốc lá.
Cùng với đó, tiếp tục nhân rộng các mô hình môi trường không khói thuốc, nâng cao năng lực PCTH của thuốc lá cho cán bộ tham gia hoạt động. Các cơ sở y tế chú trọng triển khai công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá tại các cơ sở và tư vấn cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng. Các địa phương cần đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc trong đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư. Cần lồng ghép phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng cộng đồng dân cư không có người hút thuốc lá, thuốc lào. Lồng ghép nội dung PCTH của thuốc lá vào hương ước, quy ước tại khu dân cư...
* Xin cảm ơn ông!
ÐỖ THẢO (Thực hiện)