Trải nghiệm mùa hè với lớp dạy vẽ độc đáo
Cùng với việc dạy vẽ theo phương pháp thông thường, ở lớp dạy vẽ của mình ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, cô giáo Lê Thị Mai Trúc còn tích cực áp dụng phương pháp dạy vẽ theo nhạc và biểu cảm, còn gọi là “phương pháp Ðan Mạch”, mới phổ biến ở nước ta vài năm gần đây. Nhờ đó, không khí lớp học luôn tràn đầy sự năng động, niềm vui, tiếng cười rộn rã của các bé.
Bé Nguyễn Phương Nguyên đang chăm chú hoàn thành bức tranh. Ảnh: H.T.Đ
Ưu điểm rất lớn của “phương pháp Đan Mạch” là kích hoạt được sự ham thích sáng tạo ở các bé, bé được thỏa sức trình bày ý tưởng của mình với sự hỗ trợ bởi giai điệu, tiết tấu âm nhạc làm nền. Đến tham quan lớp học này, ấn tượng đầu tiên là không khí vui tươi, hứng khởi của các bé được thể hiện qua từng nét vẽ, cách các bé háo hức pha màu và trình bày ý tưởng, điều mình đang muốn nói. Có bé vừa pha màu, vừa nhún nhảy theo nhịp nhạc. Lớp học rộng rãi, các bé có đủ không gian để thoải mái đi lại, ngắm nghía tác phẩm của nhau và trò chuyện rôm rả. Một số em thích thú phối trộn màu vẽ với nhau để tạo ra màu sắc mới đúng tông mình thích dưới sự hướng dẫn của cô giáo Trúc.
Cô giáo Lê Thị Mai Trúc cho biết: Có một số phụ huynh quan tâm đến năng khiếu mỹ thuật của con em mình nhưng số này không nhiều. Phần đông phụ huynh đăng ký cho con mình đến học vẽ như một cách giúp bé tiếp cận môn học hỗ trợ, giúp các bé phát triển toàn diện, với mong muốn các em có sân chơi lành mạnh, bổ ích và phát triển tư duy sáng tạo. Tôi có dạy cho các bé biết cách phối màu, cầm cọ vẽ, cách đi nét cơ bản… đây là những phương pháp, công cụ cơ sở để các cháu có thể trình bày điều mình muốn diễn đạt. Nhưng quan trọng hơn chính là “cái các cháu muốn diễn đạt”, tôi dành nhiều thời gian để trò chuyện, lắng nghe, trao đổi, gợi mở… cho các cháu. Nó giống như những cuộc thực tế nho nhỏ để các cháu cùng nhìn về một bờ tre, một lọ hoa nhưng cảm nhận của mỗi cháu sẽ mỗi khác. Không gian lớp học với sự hỗ trợ của âm nhạc với tiết tấu, giai điệu phù hợp từng ít một sẽ tác động đến sự nhạy cảm của các bé.
Dạy và học vẽ theo “phương pháp Đan Mạch” còn là một cách trị liệu
Qua bạn bè, khi biết phương pháp dạy vẽ của cô giáo Lê Thị Mai Trúc, chị Nguyễn Mộng Cầm, ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, đã đưa con - một bé mắc chứng chậm biết nói (5 tuổi) - đến học. Chị Mộng Cầm chia sẻ: Một số chuyên gia trị liệu khuyên nên cho cháu tiếp cận với một số môn học mỹ thuật, nghệ thuật… vì vậy khi biết có lớp vẽ của cô giáo Trúc tôi liên hệ ngay. Đến nay, bé đã học được 9 buổi rồi, bé thích thú và thường nhắc với tôi là thích đi học vẽ. Sau thời gian đi học với các bạn, tôi thấy bé vui chơi và tiến bộ rõ.
Đang chăm chú tô màu cho bức tranh, bé Nguyễn Phương Nguyên, học sinh lớp 2, Trường Tiểu học số 2 Phước Hòa, chia sẻ: Hôm trước mẹ đăng ký cho con và chị con đi học. Chúng con học được 9 buổi rồi. Đi học vẽ con thấy rất vui vì được tự vẽ những bức tranh mình thích; được vẽ rừng, núi, biển… Ở lớp học con còn được làm quen với nhiều bạn mới.
Cặm cụi phối bảng màu để tìm ra màu sắc “như mình đã từng thấy”, em Đoàn Đức Minh, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học số 2 Phước Hòa, cho biết: Nhờ biết cách pha màu mà con có thể vẽ được cái cây, ruộng lúa như con muốn. Khi về nhà, con khoe tranh con vẽ và được ba mẹ khen, con thấy rất vui. Con sẽ vẽ ngôi nhà của con với ba mẹ để kỷ niệm.
Ở một số vùng nông thôn trong tỉnh, ngày càng có nhiều phụ huynh quan tâm đến các môn học trước đây được cho là môn phụ, không biết cũng không sao như mỹ thuật, âm nhạc, thể thao… Chị Trịnh Thị Hồng Thoa, ở xã Phước Hòa, chia sẻ: Ban đầu tôi gửi cháu đến lớp học vẽ vì muốn con có chỗ thư giãn, vui chơi, giải trí lành mạnh. Nhưng sau một số buổi học, tôi thấy nhờ được tiếp xúc với sắc màu một mặt bé năng động hơn, mặt khác bé lại bắt đầu có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ - điều này có lẽ bắt đầu từ việc pha - phối màu để có được màu vẽ như mình mong muốn.
Nghe tôi hỏi về lớp học, về cách dạy vẽ kết hợp truyền thống với phương pháp mới, cô giáo Trúc tâm sự: Điều đầu tiên và rất quan trọng là tôi không can thiệp hoặc hướng dẫn theo cách có thể làm thay đổi ý tưởng của các cháu. Suy nghĩ, ý tưởng của các cháu nhiều khi rất độc đáo, sáng tạo nên mình lắng nghe, gợi mở, hỗ trợ khi cần thiết. Người lớn có thể nhìn bức vẽ của các bé như những hình rối. Nhưng các bé - không chỉ tác giả mà cả các bé khác cùng trang lứa - dễ dàng nhận ra những ký hiệu, hình ảnh mà người vẽ muốn biểu đạt, như đám mây, ông mặt trời, cây cối…từ chuỗi thông tin trải ra trên tranh! Việc kết hợp cách dạy truyền thống với “phương pháp Đan Mạch” giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo, dẫn dắt những hình ảnh thực tế mà các bé nhìn ra thành ký hiệu, hình ảnh trên tranh theo cách hiểu, cảm nhận của trẻ. Khi thông điệp được ghi nhận, tôn trọng, trẻ sẽ thêm hứng thú sáng tạo,tìm thấy niềm vui từ học vẽ và dần phát triển tư duy độc lập.
HỒ THỊ ĐIỂM