Công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính: Bình Định thuộc nhóm thực hiện tốt
Ngày 3.7, Văn phòng Chính phủ ban hành Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm.
Theo Báo cáo này, về công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), theo yêu cầu của Chính phủ, 100% TTHC, hồ sơ TTHC phải được công khai, minh bạch thông tin để người dân, DN tiếp cận, thực hiện và theo dõi, giám sát, đánh giá. Mặc dù 6 tháng đầu năm 2023 đã có sự cải thiện rõ rệt so với năm 2022, nhưng kết quả thực hiện ở hầu hết các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu này của Chính phủ; nhất là các bộ, ngành đạt tỷ lệ rất thấp, ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức thực hiện TTHC tại địa phương.
Từ đầu năm đến tháng 6.2023, các bộ, ngành chỉ đạt 1,4% TTHC công bố đúng hạn, 19% hồ sơ TTHC được đồng bộ, công khai quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; tại các địa phương, tỷ lệ này tương ứng là 60,2% TTHC công bố đúng hạn, 42,8% hồ sơ TTHC được đồng bộ, công khai quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Một số địa phương thực hiện tốt, gần đạt mục tiêu của Chính phủ như: Cà Mau, Yên Bái, Hòa Bình, Bình Định, TP Hải Phòng, Thái Nguyên…
Trong khi đó, việc thực hiện thanh toán trực tuyến có sự cải thiện rõ rệt, từ đầu năm đến ngày 26.6, có 2,5 triệu giao dịch thành công, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, một số bộ, ngành, địa phương đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra (tối thiểu 30% trong tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính) như: Bộ CA, Tổng Cục Thuế, Nam Định, Hà Nam, Lào Cai, Bắc Giang, Bình Định, TP Đà Nẵng.
MAI LÂM