Nhật Bản gửi văn bản chấp thuận Hiệp định về trợ cấp nghề cá
Tổng giám đốc WTO đánh giá đây là bước tiến lớn và có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi xét đến vị thế của Nhật Bản là một quốc gia đánh bắt cá lớn, và là thành viên luôn kiên định ủng hộ WTO.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Ngày 4.7, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thông báo Nhật Bản đã gửi văn bản chấp thuận Hiệp định về trợ cấp nghề cá được các thành viên của tổ chức này thông qua hồi năm ngoái.
Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã hoan nghênh việc Nhật Bản chính thức chấp thuận hiệp định nêu trên.
Bà đánh giá đây là bước tiến lớn và có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi xét đến vị thế của Nhật Bản là một quốc gia đánh bắt cá lớn, đồng thời là thành viên luôn kiên định ủng hộ WTO.
Bà Okonjo-Iweala nêu rõ: "Khi chúng ta tiếp tục định hướng các cách thức để vượt qua những thách thức do tình trạng đánh bắt thủy, hải sản quá mức và cạn kiệt nguồn cá đặt ra, sự tham gia tích cực của Nhật Bản và sự chấp thuận rộng rãi hơn của các thành viên WTO sẽ rất quan trọng”.
Về phần mình, Đại sứ Nhật Bản tại WTO Kazuyuki Yamazaki khẳng định quyết định trên thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Tokyo với tư cách là quốc gia được bao bọc bởi các vùng biển với nguồn thủy, hải sản phong phú, đồng thời luôn thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương để cùng nhau hợp tác nhằm đảm bảo an ninh lương thực và đạt được nghề cá bền vững dựa trên các quy tắc.
Được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO (MC12) tổ chức tại Geneva hồi tháng 6 năm ngoái, Hiệp định về trợ cấp nghề cá đặt ra các quy tắc đa phương, ràng buộc mới nhằm hạn chế các khoản trợ cấp có hại, vốn là yếu tố chính dẫn đến sự suy giảm trên diện rộng nguồn lợi thủy sản của thế giới.
Hiệp định cấm hỗ trợ đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cấm hỗ trợ đánh bắt các nguồn lợi bị đánh bắt quá mức và chấm dứt trợ cấp cho đánh bắt cá trên các vùng biển không được kiểm soát.
Ngoài ra, hiệp định cũng công nhận nhu cầu của các nước đang phát triển và kém phát triển nhất (LDCs) và thành lập Quỹ hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực để giúp họ thực hiện các nghĩa vụ.
Để hiệp định này có hiệu lực cần có sự phê chuẩn của 2/3 trong số 164 quốc gia thành viên của WTO. Hiện tại mới chỉ có 12 thành viên đã chính thức chấp thuận hiệp định này, bao gồm Belize, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Iceland, Nhật Bản, Nigeria, Seychelles, Singapore, Thụy Sĩ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Mỹ.
Theo Linh Tô (TTXVN/Vietnam+)