Hơn 7.600 sản phẩm OCOP lên sàn
Hiện, trên cả nước có 7.637 sản phẩm OCOP đã mở gian hàng, bày bán trên 2 sàn thương mại điện tử Vỏ sò và Postmart. Doanh thu đạt 217,1 tỉ đồng trong 10 tháng.
Theo thống kê mới nhất của Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông), kể từ khi Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn được triển khai, từ tháng 8.2022 đến tháng 6.2023, đã có hơn 5,4 triệu tài khoản hoạt động trên 2 sàn Vỏ sò và Postmart.
Chủ một gian hàng bán nông sản trên sàn thương mại điện tử Vỏ sò. Ảnh: Hữu Chánh
Kết quả tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy, đã có tổng cộng 7.637 sản phẩm OCOP được lên sàn. Số giao dịch qua các sàn thương mại điện tử đạt gần 1 triệu giao dịch, với tổng giá trị đạt 217,1 tỉ đồng. Giá trị 1 giao dịch/sản phẩm khoảng 220.000 đồng/giao dịch/sản phẩm.
Tại các địa phương, đã có 568 khóa đào tạo, tập huấn được triển khai nhằm giúp người dân quen thuộc hơn với hoạt động mua bán online. Hơn 8,4 triệu người đã được đào tạo, tập huấn thông qua các hoạt động này.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá, chương trình hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn đã đạt được những thành công ấn tượng, đáng ghi nhận.
Hoạt động này đã góp phần vào việc đào tạo kỹ năng số cho hộ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương trên cả nước.
Trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của các Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét, ban hành văn bản chỉ đạo, định hướng triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trong 6 tháng cuối năm 2023.
Trong đó, tập trung vào chất lượng thay vì phát triển số lượng như giai đoạn trước. Cụ thể là, các địa phương phối hợp với các sàn để xác định các hộ sản xuất nông nghiệp giỏi, có khả năng và có tiềm năng lên sàn thương mại điện tử, từ đó ưu tiên hỗ trợ trước để tạo ra các kết quả tốt, từ đó tạo tác động lan tỏa.
"Các Sở Thông tin và Truyền thông cần chủ động nghiên cứu các giải pháp, cách thức hỗ trợ hộ nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn bảo đảm hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, bối cảnh địa phương, từ đó có thể chia sẻ cho các địa phương bạn", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
(Theo VÂN TRƯỜNG/LĐO)