Nâng cao chất lượng trao đổi, truyền dẫn thông tin
Với thuộc tính mở và tính tương tác cao, nhiệm vụ khoa học và công nghệ về “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tự động chuyển đổi văn bản chữ tiếng Việt sang phát thanh tiếng Bana Kriêm” đã đem đến cơ hội để các đài truyền thanh xã, huyện trong tỉnh nâng cao chất lượng và hiệu quả trao đổi, truyền dẫn thông tin.
Nhiệm vụ do PGS.TS Phạm Trần Vũ - Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) làm chủ nhiệm, triển khai vào năm 2020 và được Hội đồng KH&CN tỉnh nghiệm thu vào cuối tháng 6 vừa qua.
PGS.TS Phạm Trần Vũ cho biết lý do nghiên cứu nhiệm vụ này: Bình Định có 33 xã, thị trấn có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung theo cộng đồng làng, thôn thuộc 6 huyện, với tổng số 10.813 hộ dân, trong đó số hộ Bana Kriêm chiếm tỷ lệ cao nhất (55,9%). Tuy nhiên, với những khó khăn về cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều địa phương còn hạn chế về năng lực, trình độ, chưa đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới… nên việc tiếp cận, nắm bắt thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đôi lúc còn chưa kịp thời, đúng và đủ. Hơn nữa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển KT-XH đang là xu thế phát triển mới được Bình Định quan tâm, trong đó có các đề tài, nghiên cứu về khoa học dữ liệu, AI.... Đó là lý do chính mà nhóm nghiên cứu bắt tay vào nghiên cứu nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tự động chuyển đổi văn bản chữ tiếng Việt sang phát thanh tiếng Bana Kriêm.
PGS.TS Phạm Trần Vũ (người đứng bên phải) trình bày các tính năng ưu việt từ nhiệm vụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tự động chuyển đổi văn bản chữ tiếng Việt sang phát thanh tiếng Bana Kriêm. Ảnh: T.LỢI
Để có nguồn dữ liệu cho bài toán dịch văn bản tiếng Việt sang tiếng Bana Kriêm, nhóm nghiên cứu đã điền dã, thu thập khá nhiều văn bản liên quan ở cơ sở và nhiều nguồn tư liệu khác nhau, trong đó có 1.216 mẫu chữ Bana Kriêm ở các huyện miền núi trong tỉnh, 2.423 mẫu các bản ghi âm phát thanh radio ở huyện Vĩnh Thạnh, 567 mẫu văn bản KH&CN và cả sử thi Hơ’mon… Để quá trình dịch máy được chính xác hơn, nhóm nghiên cứu còn thực hiện làm giàu dữ liệu, trong đó có kỹ thuật thay thế các từ đồng nghĩa được sử dụng. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn thực hiện các phương pháp dịch ngược hỗ trợ tăng cường dữ liệu; thu thập dữ liệu âm thanh phục vụ cho quá trình huấn luyện các mô hình đọc văn bản tiếng Bana…
Kết quả, nhóm đã tạo được phần mềm dịch vụ tự động ngôn ngữ các văn bản (giấy, tạp chí khoa học, văn bản ...) bằng chữ viết tiếng Việt (chữ in) sang dạng âm thanh tiếng Bana Kriêm dùng cho các đài phát thanh ở các xã, huyện miền núi của tỉnh (https://bahnar.gdtsolutions.vn/dich-thuat)...
Với hệ thống ứng dụng dịch tự động này, nhóm nghiên cứu tin rằng có thể đáp ứng các nhu cầu chuyển ngữ và phát âm tiếng Bana cho người dân và các cơ quan ở Bình Định nói chung, người Bana Kriêm nói riêng. Hệ thống này có thể giúp nhanh chóng chuyển đổi các văn bản, thông tin từ ngôn ngữ tiếng Việt sang tiếng Bana, góp phần phổ biến nhanh thông tin đến các đồng bào người dân tộc, giúp họ nắm bắt được các thông tin mới một cách chính xác và kịp thời.
TS Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tự động chuyển đổi văn bản chữ tiếng Việt sang phát thanh tiếng Bana Kiêm cho rằng, phần mềm này có tính ứng dụng cao trong đời sống, hỗ trợ các đài truyền thanh của huyện, xã dễ dàng chuyển tải nội dung các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao.
TS Hà cho biết: “Sở KH&CN sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giao Ban Dân tộc tỉnh làm đầu mối triển khai kết quả nhiệm vụ đến các đài truyền thanh xã, huyện miền núi có đồng bào dân tộc Bana Kriêm sinh sống. Để đảm bảo việc triển khai kết quả của nhiệm vụ có hiệu quả, đơn vị tiếp nhận sẽ đề xuất các điều kiện về nhân lực, thiết bị máy móc, kinh phí duy trì và phát triển. Hơn nữa, phần mềm tự động chuyển đổi văn bản chữ tiếng Việt sang phát thanh tiếng Bana này còn có thể áp dụng cho các tỉnh khác ở Tây Nguyên (nơi có nhiều đồng bào Bana sinh sống). Về lâu dài, Hội đồng KH&CN sẽ rà soát, đề xuất làm thêm các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN về chuyển ngữ các tiếng dân tộc khác, trong đó có tiếng H’re, Chăm H’roi”.
TRỌNG LỢI