Người khuyết tật hãy dùng chiếc điện thoại một cách thông minh nhất
Cuối tháng 6 vừa qua, Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển, Công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến phối hợp với Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh khởi động chương trình trao 250 điện thoại thông minh cho người khuyết tật nặng của tỉnh Bình Ðịnh. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Ðịnh, Phó Viện trưởng Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển Vũ Công Nguyên gợi mở nhiều giải pháp để người khuyết tật khai thác công năng chiếc điện thoại này hiệu quả nhất.
*Ý tưởng hỗ trợ người khuyết tật của Bình Định kiếm thu nhập từ chiếc điện thoại được tặng xuất phát từ đâu, thưa ông?
- Thấy người khuyết tật (NKT) của một số tỉnh, thành dùng điện thoại bán hàng trên mạng, cho thu nhập khá nên cùng với việc tặng điện thoại, tôi gợi mở ý tưởng này. Bình Định có nhiều sản phẩm độc đáo, nếu xây dựng một gian hàng bán đặc sản Bình Định trên mạng và các cửa hàng bán hàng trực tuyến như Tiki, Shoppee hay FPTshop… cùng chiến lược tiếp thị tốt, tôi tin NKT Bình Định cũng sẽ có nguồn thu nhập khá như vậy. Dĩ nhiên, để thực hiện ý tưởng này, NKT cần những người chuyên về kinh doanh tiếp sức.
Tôi đã bàn bạc với lãnh đạo Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh. Hội có thể phối hợp với bộ phận công tác xã hội, đào tạo nghề của ngành LĐ-TB&XH hoặc hội phụ nữ để tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng bán hàng trên mạng cho những NKT có nhu cầu, tốt nhất là theo cách cầm tay chỉ việc. Cá nhân tôi trong khả năng có thể sẽ kết nối với một vài nhóm chuyên bán hàng trên mạng, mời họ đến hướng dẫn cho NKT bán nhiều loại mặt hàng khác nhau.
Bác sĩ Vũ Công Nguyên (hàng sau, thứ hai từ trái sang) tặng điện thoại cho người khuyết tật ở TP Quy Nhơn ngày 30.6. Ảnh: N.T
* Dưới góc nhìn của một bác sĩ, theo ông, liệu việc kinh doanh có những ảnh hưởng gì đến sức khỏe, sự cải thiện, phục hồi chức năng của NKT không?
- Tôi cho rằng việc NKT có mối quan tâm, đặc biệt là lao động, kinh doanh làm ra tiền sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bản thân họ. Hiện tại, không ít NKT không có việc làm, ít vận động, phải đối mặt với nguy cơ bị teo cơ, dính khớp, bị béo phì làm phát sinh các bệnh khác như tiểu đường, huyết áp.
Khi có việc làm, họ năng động, suy nghĩ, đầu óc, tay chân lanh lẹ. Chẳng hạn khi bán hàng trên mạng, họ tương tác với nhiều người thì sẽ có niềm vui mỗi ngày, bên cạnh thu nhập tăng thêm cho cuộc sống. Tất nhiên tôi nói ở đây là số người có thể đáp ứng các điều kiện kinh doanh, vận động phù hợp. Thực tế, trong 250 người nhận điện thoại thông minh đợt này, tôi hy vọng có được vài chục người đồng ý và làm được việc bán hàng qua mạng là đã thấy vui và thành công.
* Được biết, giai đoạn 2 của Dự án Hãy nắm tay tôi do Viện thực hiện hướng đến việc đào tạo, chăm sóc và thực hành kết nối xã hội qua các ứng dụng công nghệ. Trên nền tảng trực tuyến, nhiều NKT sẽ gia tăng cơ hội hội nhập xã hội...
- Việc tặng điện thoại thông minh cho NKT là một trong những giải pháp hướng đến mục tiêu này. Thật ra, trước giờ, từng có một số đơn vị, tổ chức tặng điện thoại thông minh cho NKT, thế nhưng đa số NKT lại chỉ dùng để nghe, gọi và giải trí (chơi trò chơi điện tử, nghe nhạc…). Vì không phải NKT nào cũng biết cách khai thác hết công năng chiếc điện thoại được tặng, nên tôi cho rằng việc giúp họ có sự quan tâm đa dạng trong cuộc sống, có thu nhập, có thông tin là điều hết sức cần thiết và cần được quan tâm đúng mức.
Suy nghĩ “NKT thì làm được gì” không còn phù hợp trong bối cảnh công nghệ thông tin tác động đến nhiều mặt của đời sống. Công nghệ thông tin phát triển sẽ giúp NKT có mối quan tâm, thu nhập, kiến thức xã hội, kỹ năng sống, biết tìm sự tư vấn từ những người có uy tín và các nguồn tin chính thống, giúp đối tượng yếu thế không bị lợi dụng, dụ dỗ, lừa đảo…
* Được biết thời gian qua, ông và Viện đã phối hợp với Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Bình Định thực hiện rất nhiều video hướng dẫn NKT tự tập ở nhà. Giờ đây, khi có điện thoại thông minh, NKT Bình Định sẽ thuận tiện hơn khi tập ở nhà...
- Đúng vậy. Ngay cả người chăm sóc NKT cũng có thể lên trang web của Bệnh viện tham khảo, hỗ trợ thêm cho người thân của mình. Riêng với NKT, nếu không thể tới bệnh viện thường xuyên thì mở các clip tự tập ở nhà.
Tôi cũng lưu ý là hiện tại, trên mạng có không ít hướng dẫn hoặc lời khuyên về tập phục hồi chức năng không rõ nguồn gốc. NKT cần tìm hiểu kỹ, tiếp cận với nguồn hướng dẫn đáng tin cậy.
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC TÚ (Thực hiện)