Cao tốc Bắc-Nam qua nhiều địa phương đang bị “nghẽn” mặt bằng
Nghị quyết 18 của Chính phủ yêu cầu công tác GPMB cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) phải hoàn thành trong quý II/2023. Song, tiến độ thực hiện tại một số địa phương vẫn chưa đạt kỳ vọng, thậm chí đang bị chậm...
Làm cao tốc nhưng GPMB…ì ạch
Năm 2023, số vốn bố trí cho GPMB cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 khoảng 14.865 tỷ đồng nhưng đến nay giá trị giải ngân mới được 5.154 tỷ, đạt 30%. Một số địa phương đã vào cuộc quyết liệt, công tác GPMB đã có biến chuyển tích cực.
Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn.
Trước đó, việc GPMB tại Cà Mau chậm khiến cao tốc Bắc-Nam không thể thi công được. Sau đó tỉnh Cà Mau đã vào cuộc quyết liệt và đã thành công, đến đầu tháng 7/2023, trong tổng diện tích cần giải phóng phục vụ thi công dự án đoạn Hậu Giang - Cà Mau (140ha, chiều dài gần 22km), địa phương đã giải phóng được mặt bằng sạch gần 137ha, đạt 97%.
Đối với tỉnh Hậu Giang, Sở TN&MT tỉnh này cho biết, 99% diện tích mặt bằng đã được bàn giao cho chủ đầu tư, chỉ còn 64 hộ dân chưa bàn giao.
Tại Hà Tĩnh, có 102km cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đi qua thuộc 3 dự án thành phần: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng. Tới nay, địa phương đã kiểm đếm 100%, phê duyệt phương án bồi thường hơn 93% và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư gần 91%. Tiến độ giải ngân nguồn vốn GPMB là hơn 1.289 tỷ đồng (đạt 50%).
Tuy nhiên, tại một số địa phương có cao tốc đi qua đang đối diện nguy cơ chậm tiến độ vì vướng mặt bằng, mặt bằng “xôi đỗ”...Điển hình tại tỉnh Quảng Bình, địa phương có dự án thành phần Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh đi qua, theo thống kê đến cuối tháng 6/2023, tổng diện tích mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư mới đạt hơn 97/126km, gần 77%.
Tại tỉnh Bình Định, đến hết ngày 27.6, tỉnh mới bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh khoảng 85% diện tích.
Tương tự, tại Khánh Hòa, địa phương có tuyến cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang đi qua, đến ngày 27.6, các huyện, thị xã mới bàn giao mặt bằng được hơn 69km, đạt 82,51%.
Tại dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi mới giải phóng được hơn 86% diện tích quy hoạch. Phần còn lại là nhà cửa, vật kiến trúc của người dân đang dần di dời vào khu tái định cư. Do đó, mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công theo kiểu “xôi đỗ”, rất khó để triển khai thi công và đưa máy cơ giới vào công trình.
Trước đó, vào ngày 26.5, lãnh đạo Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đã có cuộc làm việc với Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Đặng Văn Minh để xử lý loạt vấn đề GPMB, bãi đổ thải cao tốc qua tỉnh này.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện nhà thầu thi công cho hay, địa phương đã bàn giao gần 85% mặt bằng toàn tuyến. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc mặt bằng xôi đỗ, nguồn vật liệu chưa được khơi thông...khiến các đơn vị thi công khó đẩy tiến độ. Thực tế, tổng diện tích mặt bằng có thể tiếp cận thi công được gần 36 km, đạt 58%.
Tại cuộc họp, nhà thầu kiến nghị Quảng Ngãi hỗ trợ GPMB tồn đọng, ưu tiên các vị trí khẩn cấp xử lý trong tháng 5-6.2023 để đảm bảo công địa thi công, bứt phá sản lượng công trường. Trong đó, gói thầu XL01 có 22 vị trí, gói thầu XL02 có 9 vị trí...
Chỉ đạo xử lý tồn tại trong GPMB, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nhấn mạnh: tỉnh họp định kỳ và đột xuất về công tác GPMB, vật liệu...Mới đây, ngày 25/5, Chủ tịch tỉnh đi kiểm tra hiện trường để nắm rõ từng vị trí GPMB, thi công trên tuyến. Các vấn đề mặt bằng tỉnh đang vào cuộc rốt ráo, đảm bảo đủ công địa cho thi công.
"Huyện nào, địa phương nào không đảm bảo mặt bằng, tỉnh sẽ xử lý ngay. Còn lại vấn đề triển khai các nhà thầu, cần huy động nguồn lực để đẩy tiến độ", ông Minh chỉ đạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh chỉ đạo quyết liệt để GPMB, truy trách nhiệm địa phương nếu lơ là, tồn đọng vấn đề mặt bằng.
Không tạo thêm thủ tục về GPMB, cấp mỏ vật liệu
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua, các địa phương đã quyết liệt vào cuộc chỉ đạo đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư dự án; đẩy nhanh triển khai các công việc để khởi công nhiều dự án đường bộ cao tốc. Các địa phương chỉ đạo đẩy nhanh công tác phê duyệt, chi trả, đền bù giải phóng mặt bằng tối thiểu 70% diện tích để tiến hành khởi công dự án.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chia sẻ: Mặc dù các địa phương đã nỗ lực triển khai công tác GPMB, tuy nhiên GPMB vẫn là điểm nghẽn.
“Đến giờ phút này chưa địa phương nào bàn giao 100% mặt bằng của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 18/NQ-CP trong khi thời hạn đưa ra là 30.6 phải có mặt bằng sạch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Một khó khăn nữa theo Bộ tưởng, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có công điện 194/CĐ-TTg ngày 1.4.2023, công điện số 573/CĐ-TTg ngày 21.6.2023 chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến vật liệu xây dựng, nhưng đến nay việc triển khai thủ tục cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án còn chậm so với kế hoạch.
“Hiện, nhà thầu chưa đủ vật liệu đắp để thi công, trong khi thời tiết đang thuận lợi. Ngoài ra, các chủ sở hữu khu vực mỏ, bãi đổ thải yêu cầu mức hỗ trợ cao gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai”, ông Thắng cho biết.
Trước những khó khăn nêu trên, người đứng đầu ngành giao thông đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và Bộ TN&MT hoàn thành dứt điểm việc đăng ký khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản trong năm 2023, không để kéo dài sang năm 2024.
“Đề nghị các địa phương thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ TN&MT về khai thác mỏ vật liệu, không tạo thêm các điều kiện và thủ tục gây khó khăn cho nhà thầu trong việc khai thác mỏ. Vừa qua có những địa phương mặc dù Bộ TN&MT và Bộ GTVT đã làm việc trực tiếp và có hướng dẫn bằng văn bản nhưng vẫn còn băn khoăn, chưa đồng ý với sự hướng dẫn của Bộ TN&MT. Đặc biệt ở khu vực miền Tây đang rất khó khăn trong vấn đề khai thác các mỏ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng kiến nghị.
Về vấn đề GPMB, Bộ trưởng đề nghị, từ kinh nghiệm của Hà Nội, TPHCM và một số địa phương về giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 và vành đai 4, đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh công tác GPMB theo các mốc tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết Chính phủ.
Đặc biệt với dự án cao tốc Bắc-Nam cần quyết liệt chỉ đạo thực hiện bảo đảm sớm hoàn thành công tác GPMB; trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư để người dân có chỗ ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, tập trung di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đường điện cao thế, không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.
Các tỉnh cần đẩy nhanh các thủ tục trong khai thác vật liệu xây dựng theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện đúng theo các hướng dẫn của Bộ TN&MT, không đặt thêm các yêu cầu, điều kiện, thủ tục hành chính gây khó khăn cho nhà thầu.
(Theo Phi Long/VOV.VN)