Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội làm việc tại Bình Định
(BĐ) - Sáng 6.7, Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến làm Trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài; khảo sát vấn đề “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hoạt động đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không được quản lý (IUU) trên địa bàn tỉnh.
Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc.
Báo cáo với Đoàn về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Võ Thị Như Hiền cho biết: Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai nghiêm túc các quy định của Trung ương có liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật và nội dung liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; rà soát, đề xuất, điều chỉnh bổ sung để triển khai đồng bộ các quy định, chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến - Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội phát biểu khai mạc buổi giám sát.
Hiện, có khoảng 13.731 người Bình Định đang định cư ở nước ngoài gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Canada, Nhật Bản, Hà Lan, Philippines, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Hàn Quốc… Trong đó, có 9.462 trường hợp đang học tập, công tác, lao động, làm ăn buôn bán, thăm người thân, khám chữa bệnh có thời hạn ở nước ngoài và 235 trường hợp đã từng học tập, công tác, lao động ở nước ngoài hiện đang công tác, làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại buổi giám sát.
Phần đông kiều bào đều có cuộc sống ổn định, tôn trọng pháp luật, phong tục tập quán của quốc gia, lãnh thổ sở tại; trong đó, có một số kiều bào Bình Định ở nước ngoài có tiềm lực kinh tế, quan hệ với nhiều DN, tổ chức kinh tế nước ngoài và quốc tế, có khả năng tìm kiếm đối tác và làm cầu nối với các DN, tổ chức trong nước.
Riêng từ năm 2020 đến tháng 6.2023, tổng số lao động của tỉnh làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 2.263 người, chia theo thị trường: Nhật Bản 2.113 người; Hàn Quốc 16 người; Đài Loan 78 người; các nước khác 56 người. Lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về cơ bản chấp hành tốt pháp luật của nước sở tại, tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán của các nước. Hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp người lao động của tỉnh vi phạm pháp luật bị xử lý dẫn độ về nước.
Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Võ Thị Như Hiền báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Hằng năm, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức các buổi tiếp xúc, gặp gỡ kiều bào về nước, thăm người thân trong dịp tết cổ truyền, qua đó cung cấp thông tin tình hình KT-XH của tỉnh, đất nước, các chính sách ưu đãi đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, vận động tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời phát hiện số người Việt Nam ở nước ngoài bị các thế lực thù địch móc nối, lôi kéo để kịp thời ngăn chặn, đấu tranh với các hoạt động xâm hại an ninh quốc gia, tránh bị động, bất ngờ.
Ông Hoàng Đức Thắng - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XV, cho rằng tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là hành vi vi phạm có chủ ý của chủ tàu cá và thuyền trưởng.
Đại diện lãnh đạo Sở Ngoại vụ đề xuất, kiến nghị cần tăng cường sự giám sát thường xuyên hoặc định kỳ của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan của Quốc hội và Đoàn ĐBQH tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài tại các địa phương. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động; quy định rõ cơ chế, trách nhiệm cung cấp, thiết lập cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin, liên thông đồng bộ dữ liệu lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giữa các Bộ LĐ-TB&XH, CA, Ngoại giao và các ngành, địa phương liên quan, bảo đảm yêu cầu quản lý hiệu lực, hiệu quả đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng như khi hết thời hạn hợp đồng trở về nước tham gia thị trường lao động trong nước.
Kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự và bố trí ngân sách phục vụ công tác người Việt Nam ở nước ngoài tại các địa phương; xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên giữa các Bộ, ban, ngành với UBND cấp tỉnh về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc theo dõi, quản lý người Việt Nam ở nước ngoài tại địa phương.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc trình bày các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về chống khai thác IUU trên địa bàn, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho hay: Từ khi có các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành Trung ương trong việc ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU, Bình Định đã thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh, Tổ công tác liên ngành; các huyện, thị xã, thành phố có hoạt động đánh bắt thủy sản đều thành lập Ban chỉ đạo về chống khai thác IUU để chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện.
Từ năm 2020 đến nay, tình hình về ngư dân và tàu cá của Bình Định bị nước ngoài bắt giữ đã có xu hướng giảm, cụ thể: Năm 2020 có 11 tàu/73 ngư dân (trong đó 5 tàu/37 ngư dân bị Malaysia bắt giữ, 6 tàu/36 ngư dân bị Indonesia bắt giữ). Năm 2021 có 16 tàu/97 ngư dân (trong đó 5 tàu/11 ngư dân bị Malaysia bắt giữ, 11 tàu/61 ngư dân bị Indonesia bắt giữ). Năm 2022 có 10 tàu/61 ngư dân (trong đó 9 tàu/54 ngư dân bị Malaysia bắt giữ, 1 tàu/7 ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ). Từ ngày 30.12.2022 đến ngày 15.1.2023, trên địa bàn tỉnh có 3 tàu/16 ngư dân bị Malaysia bắt giữ. Từ ngày 16.1.2023 đến nay, Bình Định không có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ.
Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) đánh giá cao việc tỉnh Bình Định đã triển khai kịp thời, nghiêm túc các quy định của Trung ương có liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Công tác phối hợp chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, xử lý các tàu thuyền vi phạm khai thác IUU khi tàu về bến tại một số địa phương chưa đồng bộ, quyết liệt. Với vùng đặc quyền kinh tế rộng (35 hải lý mới có 1 tàu tuần tra) việc di chuyển để tuần tra kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực gặp nhiều khó khăn. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng của các Bộ, ngành, địa phương trong điều tra, xử phạt hành vi khai thác IUU (đặc biệt là công tác điều tra, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài) chưa đồng bộ, kịp thời.
Tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực của ngành thủy sản từ Trung ương đến địa phương chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động khai thác thủy sản, chống khai thác IUU; trách nhiệm, nhiệm vụ được giao ngày càng tăng trong khi đó năng lực chuyên môn, lực lượng còn thiếu, một số xã, phường trọng điểm chưa có cán bộ phụ trách lĩnh vực thủy sản, bố trí kinh phí thực hiện còn hạn chế...
Ông Nguyễn Phú Quốc - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng V (thuộc Cục Kiểm ngư, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) kiến nghị, để khắc phục tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong việc xác định vùng khai thác thủy sản an toàn để hướng dẫn, công bố cho ngư dân biết.
Để thực hiện hiệu quả công tác chống khai thác IUU nhằm sớm khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các lực lượng chức năng chấp pháp trên biển, tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển ranh giới với các nước trong khu vực để kịp thời bảo vệ, ngăn chặn và xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước.
Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh ở phía Nam tăng cường công tác tuyên truyền, kết hợp kiểm tra, kiểm soát, quản lý nghiêm đối với nhóm tàu cá ngoài tỉnh xuất, nhập bến thường xuyên tại các địa phương. Đặc biệt là các tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m hoạt động ở vùng lộng không được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, ĐBQH tỉnh Hải Phòng, đề nghị cần có chính sách, cơ chế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam trong khai thác, đánh bắt thủy sản ở Việt Nam để đưa ra giải pháp phát triển bền vững lâu dài trong lĩnh vực này.
Đề nghị Bộ NN&PTNT sớm trình bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá của cả nước trong đó điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cảng cá Tam Quan từ cảng cá loại II qua nhóm cảng cá loại I và đầu tư kinh phí xây dựng cảng cá Tam Quan theo quy định. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác thực thi Luật Thủy sản và khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC.
Cục Kiểm ngư tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tàu cá hoạt động sai vùng, sai tuyến (tàu cá từ 12 m đến dưới 15 m hoạt động ở vùng lộng, không được hoạt động ở vùng khơi) và tại các vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực để kịp thời bảo vệ, ngăn chặn và xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh phát biểu tại buổi giám sát.
Cục Thủy sản tổ chức kiểm tra, đánh giá lại phần mềm Hệ thống giám sát tàu cá tại Tổng cục Thủy sản và các thiết bị giám sát hành trình của các đơn vị cung cấp theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ; sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá để làm cơ sở triển khai thực hiện; quy định trách nhiệm của đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình không đảm bảo chất lượng.
Cục Thủy sản sớm có văn bản yêu cầu các cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá trên toàn quốc thường xuyên cập nhật dữ liệu tàu cá đã được đăng kiểm lên hệ thống dữ liệu tàu cá Quốc gia Vnfishbase. Cục Kiểm ngư sớm tổ chức đào tạo nghiệp vụ thanh tra, kiểm ngư để nâng cao năng lực và đủ cơ sở pháp lý khi thi hành công vụ.
Đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển xây dựng và ký kết quy chế phối hợp quản lý tàu cá để làm cơ sở triển khai thực hiện trên toàn quốc.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật hiện hành đối với người Việt Nam ở nước ngoài và giải pháp ngăn chặn tàu cá, ngư dân đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Phú Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng V thuộc Cục Kiểm ngư, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài còn xảy ra là do một số chủ tàu và thuyền trưởng cố tình vi phạm. Cần xác định đây là vi phạm có chủ đích chứ không phải vô tình vi phạm. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân nữa là nguồn lợi thủy sản trong vùng lãnh hải của Việt Nam dần cạn kiệt dẫn đến nhiều tàu cá khai thác, đánh bắt không hiệu quả nên bất chấp các quy định lén lút đi khai thác ở các vùng biển nước ngoài.
Ông Quốc kiến nghị, để khắc phục tình trạng tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài cần có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan trong việc xác định vùng khai thác thủy sản an toàn để hướng dẫn, công bố cho ngư dân biết. Đồng thời tăng cường vận động, tuyên truyền ngư dân chấp hành tốt các chính sách pháp luật về chống khai thác IUU.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XV đề nghị phải có chế tài xử lý nghiêm đối với thuyền trưởng và chủ tàu vi phạm. Cùng với đó, cần phải xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong việc cấp phép, cấp đăng kiểm tàu cá đối với các chủ tàu vi phạm.
Phó GS-TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, ĐBQH tỉnh Hải Phòng đề nghị cần có chính sách, cơ chế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam trong khai thác, đánh bắt thủy sản ở Việt Nam để đưa ra giải pháp phát triển bền vững, lâu dài trong lĩnh vực này. Đồng thời có chính sách hỗ trợ các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản, hình thành liên kết chuỗi giữa ngư dân với DN, nhằm nâng cao giá trị đánh bắt thủy sản.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh thông tin làm rõ thêm những kết quả đạt được cũng như các khó khăn, bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài và việc thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh đề xuất Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ địa phương thực hiện hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài và khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài và các biện pháp quyết liệt trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, hướng đến phát triển nghề cá bền vững.
Đồng thời, ghi nhận các kiến nghị của tỉnh và sẽ tổng hợp các đề xuất để báo cáo Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ các địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài và khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
NGUYỄN HÂN - VĂN LỰC - HỒNG PHÚC