Thí điểm thực hiện chế định Thừa phát lại:
Còn khó nhiều bề
Văn phòng Thừa phát lại (TPL) Bình Định (202 đường Phan Bội Châu, Quy Nhơn) là văn phòng đầu tiên được thành lập theo Đề án thực hiện thí điểm chế định tPL của tỉnh, chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 3.2014. Tuy nhiên, hoạt động TPL đang gặp một số khó khăn…
Thu không đủ chi
Đến nay, Văn phòng đã hợp đồng với Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh, Chi cục THADS TP Quy Nhơn, TAND tỉnh và TAND TP Quy Nhơn về thực hiện chuyển giao việc tống đạt các văn bản, quyết định cho đương sự. Tuy nhiên, đến thời điểm này (8.2014), Văn phòng mới chỉ thực hiện tống đạt 12 văn bản do Cục THADS tỉnh chuyển giao; lập 3 vi bằng nhưng có 1 trường hợp không được Sở Tư pháp công nhận; và hợp đồng xác minh điều kiện thi hành án 16 trường hợp. Tổng doanh thu đạt 41,5 triệu đồng, trong khi chi phí duy trì bộ máy hoạt động của Văn phòng xấp xỉ 50 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Văn Phụng, Trưởng Văn phòng TPL Bình Định, nói: “Thời gian qua, chúng tôi tập trung vào việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự. Cũng có khách hàng đến yêu cầu trực tiếp thi hành án dân sự nhưng Văn phòng từ chối vì chưa đủ điều kiện. Tính ra mỗi tháng Văn phòng lỗ khoảng 40 triệu đồng. Nếu cứ đà này, Văn phòng sẽ khó tồn tại được lâu được nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan liên quan và của tỉnh”.
Theo Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung về tổ chức và hoạt động của TPL, TPL được làm 4 nhiệm vụ sau: Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án và cơ quan THADS; Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức, cơ quan; Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự. Trong đó, tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của tòa án và cơ quan THADS do TPL thực hiện theo quy định của pháp luật. Còn vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác…
Cũng theo ông Phụng, ngoài lý do người dân chưa biết nhiều về TPL, đội ngũ TPL chưa có kinh nghiệm, còn có nguyên nhân tòa án và cơ quan THADS còn e ngại, giao số lượng văn bản cần tống đạt ít, nên thu không đủ bù chi. Việc xác minh điều kiện thi hành án cũng đang gặp trở ngại không ít. Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp rất e ngại cung cấp thông tin, hoặc nếu có cung cấp cũng rất chậm. Thậm chí người thi hành án còn cho rằng Văn phòng TPL chỉ là doanh nghiệp tư nhân… đòi nợ thuê.
Tại Hội thảo đánh giá kết quả TPL tại Bình Định do Bộ Tư pháp và UBND tỉnh phối hợp tổ chức mới đây, bà Võ Thị Thanh Mai, Cục phó Cục THADS tỉnh cho rằng, Cục THADS tỉnh đã tạo điều kiện để Văn phòng TPL Bình Định thực hiện nhiệm vụ. Tháng 6.2014, Cục đã ký hợp đồng dịch vụ chuyển giao các loại văn bản đã thỏa thuận cho Văn phòng trên cơ sở cam kết Văn phòng không được từ chối khi được yêu cầu tống đạt và đảm bảo việc tống đạt đầy đủ thủ tục, quy định theo pháp luật. Nhưng khi triển khai, TPL đã để một số biên bản tống đạt chưa có xác nhận của chính quyền địa phương; khi không tống đạt trực tiếp được cho đương sự, TLP chỉ niêm yết ở trụ sở UBND địa phương mà không niêm yết ngay tại nơi cư trú của đương sự. Ngoài ra, một số trường hợp xác minh điều kiện thi hành án chưa được rõ ràng, cụ thể nên khi tổ chức thi hành án, cơ quan THADS phải tiến hành xác minh lại.
Còn mang “hơi hướm” nhà nước
Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính, chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp, thành viên của Đoàn khảo sát Bộ Tư pháp, nhận xét khá thẳng thắn: “Chúng tôi nhận thấy hoạt động của Văn phòng TPL vẫn mang hơi hướm nhà nước, kêu nhiều, làm ít và chưa thực tinh thông về nghiệp vụ. Các cơ quan nhà nước có liên quan cũng chưa thực sự vì một chủ trương chung, còn tị nạnh nhau thay vì ngồi lại cùng thảo luận, hướng dẫn giúp nhau vượt khó”. Đoàn khảo sát của Bộ Tư pháp đã đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan trực tiếp liên quan như Cục THADS tỉnh, TAND tỉnh phối hợp tạo điều kiện giúp đỡ để Văn phòng TPL Bình Định hoạt động thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định TPL tỉnh cũng cần có các chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong khi thực hiện thí điểm chế định TPL.
Sau khi trực tiếp khảo sát người dân và làm việc với Văn phòng TPL Bình Định, tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai, chuyên gia cao cấp của Bộ Tư pháp, Trưởng Đoàn khảo sát, cho rằng việc đa số người dân chỉ biết đến TPL qua việc đọc các tờ rơi quảng cáo do Văn phòng TPL Bình Định phát hành đã chứng tỏ công tác tuyên truyền về chế định TPL chưa rộng rãi, phổ biến. Bà Mai nói thêm: “Việc người dân có yêu cầu thi hành án dân sự nhưng Văn phòng TPL từ chối thực hiện sẽ khiến cho người dân hiểu lầm là TPL không có quyền tổ chức thi hành án mà chỉ xác minh điều kiện thi hành án. Như vậy là chưa làm đầy đủ thẩm quyền. Trong trường hợp này, nên có sự giải thích tuy Văn phòng có thẩm quyền thực hiện nhưng chưa đủ điều kiện để làm, không nên chưa làm đã từ chối…”
THU HÀ
Các sở, ngành liên quan phải phối hợp tốt để thực hiện chế định TPL
(BĐ)- Đây là nội dung của Chỉ thị số 15/CT-UBND ra ngày 31.7 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường chỉ đạo, quản lý, phối hợp và hỗ trợ việc triển khai thực hiện chế định TPL trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, chỉ thị yêu cầu Cục THADS tỉnh chủ động phối hợp với Sở Tư Pháp thống nhất địa hạt các Văn phòng TPL ký kết hợp đồng dịch vụ với các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các chi cục THADS địa phương tổ chức chuyển giao nhiệm vụ tống đạt văn bản cho Văn phòng TPL thực hiện. CA tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin, số liệu về đăng ký xe phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Văn phòng TPL; hỗ trợ việc tống đạt các văn bản, quyết định. Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cần phổ biến trách nhiệm, hướng dẫn ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác phối hợp hỗ trợ cho Văn phòng TPL thực hiện công việc về THADS theo các quy định của pháp luật…
NGUYỄN SƠN
Ông Nguyễn Bá, Quyền Giám đốc Sở Tư pháp:
Vướng mắc lớn hiện nay trong việc triển khai chế định TPL tại Bình Định là do loại hình này mới ra đời nên người dân, tổ chức còn chưa biết đến nhiều, chưa quen nhìn nhận và có yêu cầu TPL như một dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp để hỗ trợ cho việc các thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ. Nhận thức của các cơ quan nhà nước chưa thực sự đầy đủ và thiếu sự thống nhất dẫn đến việc triển khai thí điểm chưa đồng bộ, thông suốt.
Với tình hình hoạt động của Văn phòng TPL Bình Định chưa đạt hiệu quả khả quan nên việc thành lập 2 văn phòng còn lại (ở huyện Hoài Nhơn và Phù Mỹ) theo Đề án thực hiện thí điểm chế định TPL giai đoạn 2014-2015 của tỉnh là rất khó thực hiện.
Chúng tôi thấy, VP TPL Bình Định chưa nỗ lực hết mình, chưa năng động, đã vội kêu khó! Thử hỏi, TPL BĐ đã chủ động quảng bá, giới thiệu về mình trên các cơ quan báo đài của tỉnh chưa, hay chỉ đợi phóng viên tới liên hệ, hỏi gì đáp nấy! Lẽ ra, các anh nên chủ động, tích cực thông qua báo đài để nói về vai trò của mình cho mọi người hiểu, thấy cái hay, cái tốt, cái thiết thực thì người ta sẽ đến với mình. Theo tôi, cái hay nhất của thừa phát lại là: Lập Vi Bằng, thì các anh chẳng hề quảng cáo cho dân biết. Tôi cam đoan, nếu dân mà biết mấy anh có cái chức năng độc đáo này thì tiền các anh thu vào đếm không xuể! Ở TP.HCM, các văn phòng TPL họ sống chủ yếu bằng cái chức năng này, chứ thực ra họ chẳng muốn đi "đòi nợ thuê đâu" ! VD: nhà này thi công xây dựng nhà ở, làm sụt lún, nứt nhà sát bên cạnh, gây thiệt hại, mời các anh tới lập vi bằng làm chứng trước tòa khi kiện cáo. Do dân không biết mấy anh có chức năng đó, chứ nếu họ biết thì các anh làm việc không xuể đâu! Xem lại mình đi các anh ơi !