Hợp tác đầu tư, thương mại giữa Bình Định và Nhật Bản ngày càng phát triển
(BĐ) - Thông tin từ Sở KH&ĐT cho hay, xác định Nhật Bản là đối tác quan trọng, những năm qua, tỉnh ta tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng lợi thế của Bình Định; đồng thời chủ động thiết lập và tăng cường mối quan hệ hợp tác với Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại TP Sakai cùng nhiều địa phương khác của Nhật Bản. Các hoạt động tiếp xúc, kết nối, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa Bình Định và các đối tác Nhật Bản tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 19 dự án của các nhà đầu tư, DN Nhật Bản (chiếm 22% tổng số dự án FDI của tỉnh) đầu tư trên các lĩnh vực: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp với tổng vốn đăng ký đầu tư 94,17 triệu USD. Trong quá trình đầu tư, các DN Nhật Bản luôn đề cao tính kỷ luật và uy tín trong sản xuất kinh doanh; quan tâm đến việc đào tạo nhân công, chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt công nghệ và môi trường làm việc. Nhờ đó, các dự án đầu tư của Nhật Bản hoạt động hiệu quả, góp phần tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư với các DN ở tỉnh Osaka (Nhật Bản). Ảnh: TTXTĐT tỉnh.
Nhật Bản cũng là thị trường giao thương hàng hóa khá quen thuộc đối với các DN xuất, nhập khẩu của Bình Định. Năm 2022 giá trị kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt gần 177 triệu USD, chiếm tỷ trọng 32% so với hàng hóa xuất khẩu sang các quốc gia châu Á; giá trị hàng hóa nhập khẩu đạt hơn 36,8 triệu USD. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 giá trị kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật bản đạt 126,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 46,1%; nhập khẩu đạt 27,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 18,9%. Các mặt hàng chủ lực của tỉnh xuất khẩu sang Nhật Bản gồm: Thủy sản, mì và các sản phẩm từ mì, khoáng sản và vật liệu xây dựng, hóa chất, bàn ghế mây nhựa, gỗ các loại (ván gỗ, gỗ viên nén, ván ép), đồ gỗ nội ngoại thất, quần áo, giày dép các loại, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, Trong đó, gỗ các loại (dăm gỗ, viên nén gỗ, ván mỏng…) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Nhật Bản. Các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản chủ yếu là: Thủy sản cấp đông; phân bón các loại, nguyên phụ liệu sản xuất thuốc, gỗ và sản phẩm từ gỗ; vải các loại; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày; máy móc thiết bị...
MINH HẢI