Theo dấu văn hóa Champa
Khoảng 5.000 hiện vật trong tổng số hơn 13.000 hiện vật mà Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ là hiện vật Champa. Ðến tham quan Phòng trưng bày chuyên đề Champa của Bảo tàng tỉnh, du khách nhìn ngắm những hiện vật có thể hình dung ra “một thế giới Champa” thu nhỏ.
Phòng trưng bày chuyên đề Champa tại Bảo tàng tỉnh có hàng trăm hiện vật đồ gốm trang trí kiến trúc, gốm gia dụng Champa, gốm trên tàu đắm phát hiện tại Bình Định; các tác phẩm điêu khắc đá Champa.
Theo chị Hoàng Yến, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Trưng bày - Tuyên truyền (Bảo tàng tỉnh), trước đây, phòng trưng bày chuyên đề Champa tại Bảo tàng tỉnh đặt rất nhiều tủ, sắp xếp theo hiện vật. Bây giờ được làm gọn lại các tủ, trưng bày hiện vật theo loại hình giới thiệu gốm cổ Champa ở Bình Định từ gốm đất nung đến gốm gia dụng, kiến trúc, kỹ thuật nung gốm, gốm Champa xuất khẩu, gốm tàu đắm. Với cách trưng bày mới, khách tham quan dễ dàng có cái nhìn liền mạch, toàn cục về gốm Champa. Riêng khu trưng bày hiện vật điêu khắc đá Champa - là điểm nhấn của phòng trưng bày chuyên đề Champa - được sắp xếp theo cách thức cân xứng, tạo điểm nhấn chính với hình ảnh tháp Dương Long và hiện vật khai quật tại các tháp, phế tích tháp Chăm ở Bình Định.
Phòng trưng bày chuyên đề Champa tại Bảo tàng tỉnh như một thế giới Champa thu nhỏ. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Bên cạnh không gian chính là khu trưng bày các hiện vật điêu khắc đá Champa, phía ngoài Bảo tàng tỉnh còn có một số gian tủ trưng bày theo chuyên đề giới thiệu về gốm cổ Champa - Bình Định, với nhiều hiện vật gốm đất nung, gốm trang trí kiến trúc được tìm thấy sau khai quật khảo cổ tại phế tích tháp Lai Nghi (huyện Tây Sơn), thành Cha (TX An Nhơn); các lò gốm cổ ở Bình Định có niên đại thế kỷ XIV - XV phát hiện qua các đợt khai quật khảo cổ, như: Gò Sành, Trường Cửu, Gò Cây Me (TX An Nhơn), Gò Hời, Gò Cây Ké, Gò Giang (huyện Tây Sơn); bộ sưu tập gốm cổ Bình Định trục vớt từ tàu đắm tại cửa biển Hà Ra (huyện Phù Mỹ) và đầm Thị Nại (TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước).
Chị Nguyễn Thị Nhân, thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh, chia sẻ: “Khu trưng bày Champa tại Bảo tàng tỉnh được làm mới, bố trí hiện vật thể hiện khái quát kinh đô Vijaya của vương quốc Champa từ thế kỷ XI - XV. Cùng với các phòng trưng bày khác tại Bảo tàng tỉnh, phòng trưng bày chuyên đề Champa thu hút nhiều du khách, nhất là du khách nước ngoài. Tùy theo nhu cầu, độ tuổi du khách đến bảo tàng, chúng tôi có phương pháp truyền đạt thuyết minh phù hợp”.
Tại khu trưng bày hiện vật điêu khắc đá Champa có 35 hiện vật niên đại từ cuối thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIII thuộc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau; trong đó, có 6 bảo vật quốc gia, gồm: Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini (niên đại đầu thế kỷ XII, công nhận năm 2015), phù điêu thần Brahma (niên đại cuối thế kỷ XII, công nhận năm 2016), cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn (niên đại thế kỷ XII - XIV, công nhận năm 2017), phù điêu nữ thần Sarasvati (niên đại đầu thế kỷ XII, công nhận năm 2020), phù điêu Thần hộ pháp Mả Chùa (niên đại thế kỷ XII, công nhận năm 2021). Ngoài lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tạo vẻ đẹp lung linh cho từng hiện vật, Bảo tàng tỉnh còn sắp đặt các hiện vật theo niên đại từ sớm đến muộn, hình ảnh liên quan đến các hiện vật… để du khách đến đây tham quan hiểu hơn về một thế giới Champa thu nhỏ tại Bảo tàng tỉnh qua những hình ảnh, câu chuyện kể về từng hiện vật.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Mặc dù, không gian còn hạn hẹp, chúng tôi vẫn cố gắng bố trí trưng bày các hiện vật sao cho hài hòa, sắp đặt theo niên đại từ sớm đến muộn, theo loại hình nghệ thuật từ trang trí, kiến trúc đến tâm linh một cách sống động, chi tiết. Hiện Bảo tàng tỉnh đang phối hợp với Trường ĐH Quy Nhơn và một số đơn vị liên quan xây dựng mã QR cho 6 bảo vật quốc gia lưu giữ, trưng bày tại bảo tàng, tiến tới làm mã QR cho tất cả hiện vật trưng bày tại bảo tàng để số hóa di sản, giúp du khách tự tìm hiểu, nghiên cứu. Trong năm nay, chúng tôi sẽ lập hồ sơ đăng ký đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với hiện vật cặp sư tử đá thành Đồ Bàn có niên đại cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII đang trưng bày tại bảo tàng…
NGỌC NHUẬN