Thụy Điển nỗ lực khai thông bế tắc trong quá trình gia nhập NATO
Các nhà ngoại giao tại NATO hoài nghi khả năng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ thay đổi quan điểm dù hai bên đã đạt được thỏa thuận về dỡ bỏ "các chướng ngại vật" cản trở Thụy Điển gia nhập NATO.
Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan. (Nguồn: AA)
Ngày 6.7, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã có cuộc gặp tại trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ) trong nỗ lực khai thông những bế tắc để nước này trở thành thành viên khối quân sự của phương Tây.
Đây là cuộc đàm phán do Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thúc đẩy với sự tham dự của các quan chức tình báo và an ninh các nước với hy vọng xóa bỏ những trở ngại để Thụy Điển trở thành thành viên của NATO sau 1 năm trì hoãn và trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO, dự kiến khai mạc ngày 11.7 tới tại Litva.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao tại NATO hoài nghi về khả năng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thay đổi quan điểm dù hai bên đã đạt được thỏa thuận hồi năm ngoái về dỡ bỏ "các chướng ngại vật" cản trở quá trình này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là sẽ có những động thái thúc đẩy mạnh mẽ đối với Thụy Điển trong những ngày tới.
Tổng thống Mỹ Biden khẳng định với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trong cuộc gặp ở thủ đô Washington ngày 5.7 rằng ông "rất mong chờ" nước này gia nhập NATO.
Thụy Điển và nước láng giềng Phần Lan đã từ bỏ nhiều thập kỷ không liên kết quân sự và nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái.
Phần Lan chính thức gia nhập khối vào tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển.
Chính quyền Budapest cho biết nếu Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận, nước này cũng sẽ không cản trở Thụy Điển.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn chưa phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển với lý do cho rằng Stockholm hỗ trợ các nhóm chống đối Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28.6 đã lên án hành động đốt Kinh Koran của người Hồi giáo ở Thụy Điển vào ngày đầu tiên của Lễ Eid al-Adha, một lễ hội tôn giáo lớn của người Hồi giáo.
Trong một phát biểu đăng tải trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nêu rõ: “Tôi lên án các hành động ở Thụy Điển nhằm chống lại cuốn sách thánh của chúng tôi, Kinh Koran, vào ngày đầu tiên của Lễ Eid al-Adha. Việc cho phép những hành động chống Hồi giáo này dưới cái cớ tự do ngôn luận là không thể chấp nhận được.”
Ông cũng cho rằng thái độ làm ngơ trước những hành động tàn bạo như vậy là đồng lõa với tội ác.
Theo Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)