Chú trọng trợ giúp pháp lý cho người yếu thế
Thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) đã chú trọng công tác tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho người yếu thế, nhất là tham gia đại diện trong công tác tố tụng tại phiên tòa. Qua đó, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người yếu thế, sự công minh của pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân.
Từ những vụ việc cụ thể, trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL; bảo vệ công lý, bảo vệ con người, bảo đảm nguyên tắc nâng cao chất lượng trong tranh tụng xét xử và phòng chống oan sai.
Theo ông Lâm Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, kiêm trợ giúp viên pháp lý, 6 tháng đầu năm 2023, các trợ giúp viên pháp lý đã tham gia tố tụng 118 vụ việc. Quan điểm bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận; từ đó tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh, thay đổi khung hình phạt thấp hơn mức đề nghị của Viện Kiểm sát.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động, tuyên truyền pháp luật tại làng Canh Phước, xã Canh Hòa (huyện Vân Canh). Ảnh: LÂM TÙNG
Đơn cử là trợ giúp viên pháp lý đã tham gia bào chữa thành công giúp cho L.V.H. (SN 2006, ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) - người phạm tội ở tuổi vị thành niên, hưởng mức án thấp nhất của khung hình phạt. Tương tự là TGPL cho các trường hợp của Đ.L.V. (SN 2005), Đ.M.K. (SN 2004) và P.L.T. (SN 2006), cùng ở phường Hoài Đức, TX Hoài Nhơn.
Ngoài hoạt động tham gia tố tụng, Trung tâm TGPL còn tăng cường hoạt động tuyên truyền pháp luật, TGPL lưu động ngoài trụ sở. Đến nay, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã “đặt chân” tới tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong số 967 người được TGPL trong 6 tháng đầu năm 2023, có 37 người thuộc hộ nghèo và 181 người dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, người dân tại nhiều khu dân cư ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu các quy định pháp luật mới ban hành, qua đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cuộc sống.
Theo ông Phan Văn Hùng, Trưởng Phòng Pháp luật dân sự - đất đai (Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh), phần lớn nội dung TGPL ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là các vướng mắc pháp luật của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai, tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, các quy định và chế độ chính sách xã hội cho người khuyết tật…
“Đa số người dân sống ở vùng sâu, vùng xa đều có điều kiện tiếp cận pháp luật hạn chế nên khi truyền thông chúng tôi phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo nội dung chính xác nhưng dễ hiểu nhất. Các trợ giúp viên pháp lý, công tác viên và luật sư cũng sẽ giải đáp rõ ràng, cụ thể các vụ việc; giúp bà con tháo gỡ nhiều vướng mắc về pháp lý trong cuộc sống”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Đinh Văn Đậm (ở khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) chia sẻ rằng, cuối tháng 6 vừa qua, nghe tin có buổi TGPL lưu động, tư vấn pháp luật ở địa phương, rất nhiều bà con sắp xếp công việc để tham gia. Đây là hoạt động giúp bà con hiểu biết pháp luật, tránh những tranh chấp, mâu thuẫn không đáng có trong cuộc sống.
Thực tế hiện nay cho thấy, nhu cầu tìm hiểu pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Nhiều khi, quyền lợi hợp pháp của người dân bị xâm phạm nhưng họ không biết tìm đến đâu để được giải quyết.
Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lê Thành Trung cho biết: Để tiếp tục là điểm tựa pháp lý cho người yếu thế trên địa bàn tỉnh, Trung tâm sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TGPL, nhất là chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác này. Đồng thời, đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tổ chức TGPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn nhằm giúp nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật người yếu thế.
HỒNG PHÚC