Nhớ mùi lá tre
Cả nhà bị cảm cúm, uống đủ loại thuốc nhưng vẫn không khỏi, đầu lúc nào cũng nặng trĩu. Chợt nhớ bài thuốc dân gian, chị vợ giao việc cho anh chồng: “Anh đi bứt một nồi lá xông về xông, may ra sẽ khỏi cảm”. Anh chồng chạy đi tìm lá theo “toa” của vợ, bụng bảo dạ: “Giờ mà tìm cho đủ các loại lá xông như vợ dặn, quả là quá khó”. Lùng sục cả buổi trưa ở khắp các ngõ ngách trong phố, cuối cùng rồi cũng tìm được những thứ lá cần tìm: sả, lá chanh, hương nhu, cúc tần, bưởi… Đảo mắt qua mớ lá xông ấy một vòng, chị vợ phán: “Thiếu lá tre!”. Ừ nhỉ, lá tre - thứ lá quen thuộc ấy giờ vắng bóng trong đời sống thường ngày lúc nào chẳng biết.
Đã khá lâu rồi, những cư dân có gốc gác ở quê giờ sống chen chúc trong các nhà hộp đã quen với việc hễ bị cảm cúm là ra hiệu thuốc tây đầu ngõ mua một liều thuốc cảm về uống, nồi lá xông giờ chỉ còn trong ký ức nhạt mờ. Chừng 40 năm trước, tất cả những người sống ở nông thôn, bài thuốc giải cảm chỉ là nồi lá xông và một bát cháo hành có rắc ít tiêu, vừa thổi vừa húp. Mồ hôi vã ra như tắm, bệnh cảm cúm như tan biến. Trong nồi lá xông dạo ấy, dứt khoát phải có lá tre.
Lá tre không phải là vị thuốc “chủ lực” trong nồi lá xông đâu! Đơn giản chỉ vì nó thứ dễ tìm nhất. Nhìn ra vườn, chỗ nào cũng gặp tre. Xin được nói thêm là, trồng tre ở nông thôn thời ấy, không phải để lấy lá chữa cảm mà cây tre hầu như can dự vào mọi sinh hoạt trong đời sống của người nông dân. Rổ, rá, nong, nia, dần, sàng, thậm chí đến đôi đũa ăn hằng ngày cũng từ tre. Những nếp nhà mái tranh, những túp lều mái rạ ủ ấm mùa đông, giảm nhiệt mùa hè cũng được thưng, được bện từ những chiếc hom tre. Cây tre thời chiến tranh còn giúp con người hạn chế thương vong từ hòn tên mũi đạn nữa. Những rừng chông trong các “ngôi làng kháng chiến” còn góp phần ngăn bước chân của quân thù. Ấy thế mà…
Cuộc sống công nghiệp với đầy đủ các thứ tiện nghi được làm từ nhựa, sắt, inox đã âm thầm khai tử cây tre đồng thời loại loài cây thân thuộc ấy ra khỏi bộ nhớ của con người. Về vùng nông thôn bây giờ, nhìn đâu cũng thấy cây mì cùng với các loại rau đậu, vườn nhà nào cũng vây bọc bởi hàng rào lưới thép, gần như không thấy tre đâu, nếu có cũng loi nhoi tội nghiệp. Những bờ tre “nghìn đời” được người dân trồng ven các con sông để chống xói lở, bây giờ người ta cũng chặt sạch, nhường chỗ cho những bờ kè bê tông xi măng hàng trăm tỷ đồng. Bởi vậy, nồi lá xông mà có cả lá tre, quả là món hàng bây giờ xa xỉ.
Nhưng thật kỳ lạ, nồi lá xông nghi ngút khói hơi và nồng nã ấy vẫn cứ lẩn quất đâu đây một mùi quen thuộc mà không định hình được. Hình như đâu đó trong góc khuất của mỗi đời người vẫn còn thoảng một mùi hương gợi nhớ. Có thể đó là mùi của lam lũ khó nghèo, mùi của tình sâu nghĩa nặng, mùi của tối lửa tắt đèn có nhau. Tất cả giờ chỉ còn trong tưởng vọng. Như mùi lá tre thân thuộc ngày nào nay đã mất hút mù tăm.
Nồi lá xông giải cảm đã hoàn thành sứ mệnh của mình nhưng vô tình đã gieo vào lòng người một nỗi buồn hao khuyết.
TRẦN ÐĂNG